‘30 CHƯA PHẢI LÀ TẾT’ DỊCH SANG TIẾNG ANH NHƯ THẾ NÀO?
nguyen phuoc vinh co
Những ngày này khi năm hết tết đến và đặc biệt khi có những biến cố, sự kiện trong nước và thế giới bỗng dưng rộ lên câu nói ‘30 chưa phải là Tết’.
Trước đó, trên các Diễn đàn mạng vẫn có một vài câu hỏi về cách dịch thành ngữ này sang tiếng Anh nhưng cho đến nay chỉ có một câu trả lời và tôi thấy không mấy thỏa đáng khi xét dưới góc độ dịch thuật . Gần đây nhất một bạn trên Face có hỏi tôi cách dịch thành ngữ này và nay chỉ còn mươi ngày nữa là Tết ta thử đi tìm một tương đương với thành ngữ ‘30 chưa phải là Tết’ mang một triết lí mà trong cuộc sống dù không phải là Tết vẫn có ai đó khuyên ta khi ta đặt quá nhiều niềm tin, hy vọng vào một điều gì đó sẽ xảy ra thì lại nghe ai đó nói: ‘30 chưa phải là Tết’.
TẠI SAO CÂU TỤC NGỮ ‘BA MƯƠI CHƯA PHẢI LÀ TẾT’ LÀ MỘT VẤN ĐỀ VỀ DỊCH THUẬT
MẤT TRONG DỊCH (LOSS IN TRANSLATION)
Susan Bassnett trong ‘Translation Studies’ cho rằng ‘mất trong dịch là những khó khăn mà người dịch vấp phải khi gặp các thuật ngữ hoặc khái niệm mà ở ngôn ngữ gốc không tồn tại trong ngôn ngữ dịch/đích ’ (the problems of loss in translation, in particular about the difficulties encountered by the translator when faced with terms or concepts in the SL that do not exist in the TL). Điều này cho ta thấy trong kho tàng thành ngữ của người Anh, Mỹ, Úc … không có khái niệm ‘30 chưa phải là Tết’ nên khi gặp phải khái niệm này thì người dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh gặp phải vấn đề.
BẤT KHẢ DỊCH VỀ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA
Nhà lý thuyết dịch Catford phân rõ hai loại ‘bất khả dịch’ mà ông gọi tên là ‘bất khả dịch về ngôn ngữ’ (linguistic untranslatability) và ‘bất khả dịch về văn hóa’ (cultural untranslatability).
Về mặt ngôn ngữ, Catford cho rằng ‘hiện tượng bất khả dịch xảy ra khi không có sự thay thế từ vựng hay cú pháp ở ngôn ngữ đích/dịch cho một hình thức như thế ở ngôn ngữ nguồn’ (On the linguistic level, untranslatability occurs when there is no lexical or syntactical substitute in the TL for an SL item).
Cấu trúc cú pháp sau đây trong một cuốn sách ngữ pháp ‘Practical English Usage’ (Michael Swan) mà ở tiếng Việt lại không có một sự thay thế cú pháp như vậy theo định nghĩa của Catford có thể xem là ‘bất khả dịch từ vựng’ khi xét từ góc độ dịch thuật từ Anh sang Việt. ‘I knew he was going to CAUSE TROUBLE, and CAUSE TROUBLE he did! (1),tr.165,)
BẤT KHẢ DỊCH VỀ VĂN HÓA
‘Bất khả dịch về văn hóa’ là do sự vắng mặt ở văn hóa của ngôn ngữ đích/dịch một đặc trưng tình huống liên quan cho văn bản của ngôn ngữ gốc (Cultural untranslatability is due to absence in the TL culture of a relevant situational feature for the SL text).
Có thể xem câu tục ngữ ‘30 chưa phải là Tết’ là một ‘bất khả dịch văn hóa’ (cultural untranslatability).
ĐI TÌM CÂU TỤC NGỮ ‘BA MƯƠI CHƯA PHẢI LÀ TẾT’
Cứ năm hết Tết đến nhưng trong cả năm đôi lúc ta mới nghe ai đó nói với ta ‘30 chưa phải là Tết’ khi ta quá tin chắc một điều gì đó sẽ đến, sẽ xảy ra, sẽ thành công…
Nói đến ‘30 chưa phải là Tết’ là phải tìm đến bài viết của thầy Phạm Văn Tình trên một trang báo mạng có tên ‘Ba mươi chưa phải là … Tết’ – Một triết lý sống (2010) trong đó thầy đưa ra vài câu chuyện kể để nói lên ý nghĩa của câu tục ngữ:
– Quả trứng đã nở thành gà, nhưng nếu mẹ gà kia chưa cục cục rồi mổ vỡ cái vỏ lấy lỗ thông hơi thì chú gà chíp kia chưa bứt vỏ chui ra được.
– Hai anh chị yêu nhau thắm thiết, họ hàng đồng tình, nhưng nếu chưa đưa nhau ra ủy ban phường để kí vào một ‘hợp đồng dài hạn’ thì chưa chính thức được coi là vợ chồng.
– Một đội bóng đang dẫn bàn tới tận phút 90, nhưng nếu trọng tài chưa nổi còi mãn cuộc thì các cầu thủ chớ vội mà ôm nhau chúc mừng.
….
Từ góc độ ngôn ngữ học, Thầy đưa ra cách nói của các nhà ngôn ngữ học, câu tục ngữ: ‘Ba mươi chưa phải là Tết’ có cấu trúc chưa A đã B.
Ta có thể tìm ra khá nhiều thành ngữ tương tự cùng mô hình ngữ nghĩa: Chưa nóng nước đã đỏ gọng, Chưa khỏi rên đã quên thầy, Chưa thăm ván đã bán thuyền, Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà, Chưa làm đã ăn, Chưa đẻ đã đặt tên , Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng …
‘30 CHƯA PHẢI LÀ TẾT’ VÀ GỢI Ý MỘT PHƯƠNG THỨC DỊCH
PHƯƠNG THỨC DỊCH THOÁT (ADAPTATION /ˌædæpˈteɪʃ(ə)n/ )
Đây là phương thức cuối cùng (trong 7 phương thức của Vinay và Darbelnet) được dùng khi một tình huống trong văn hóa gốc không tồn tại trong văn hóa dịch vì vậy phải tạo ra một sở chỉ tương đương với văn hóa gốc trong văn hóa dịch (This last procedure is used in cases where the situation to which the message refers does not exist at all in the TL and must thus be created by reference to a new situation, which is judged to be equivalent).
‘30 CHƯA PHẢI LÀ TẾT’ VÀ PHƯƠNG THỨC DỊCH THOÁT
Về mặt văn hóa, ‘hình ảnh’ trong ‘30 chưa phải là Tết’ là quen thuộc ở văn hóa Việt nhưng một hình ảnh như vậy lại không tồn tại trong văn hóa Anh, Mỹ, Úc …. Để dịch câu ‘30 chưa phải là Tết’ sang tiếng Anh thì người dịch phải tạo ra một tình huống mới mà có thể được xem là tương đương. Vì vậy, phương thức dịch thoát có thể được mô tả là một loại tương đương đặc biệt, tương đương tình huống. Ở văn hóa Anh, khi nói về một lời khuyên ‘đừng quá tin chắc điều gì sẽ thành công thì thường được ví von ‘Đừng ‘đếm gà trước khi trứng nở’ (gà chưa nở khoan vội đếm)nên cách dịch phù hợp hơn trong trường hợp này sẽ là ‘Don’t count your chickens before they are hatched’.
Vậy, câu tiếng Việt : ‘30 chưa phải là Tết’ có thể tương đương với thành ngữ tiếng Anh ‘Don’t count your chickens before they hatch’ / they are hatched.
‘30 MƯƠI CHƯA PHẢI LÀ TẾT’ VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG Ở CÁC NGÔN NGỮ
– 30 chưa phải là Tết: Don’t count your chickens before they hatch (tiếng Anh)
– 30 chưa phải là Tết: 别 言 之 过 bié biè yán zhī guò guo zǎo (tiếng Trung)
– 30 chưa phải là Tết: あすのことをいえば,おにがわらう (tiếng Nhật)
Thạc gián ngày 3 tháng 2 năm 2021
Trả lời