Bettertogether.

NGÔN NGỮ (LANGUAGE) VÀ VĂN HÓA (CULTURE) & BẤT KHẢ DỊCH (UNTRANSLATABILITY)

NGÔN NGỮ (LANGUAGE) VÀ VĂN HÓA (CULTURE) & BẤT KHẢ DỊCH (UNTRANSLATABILITY)

– NÓI TRỘM VÍA – GOD/HEAVEN FORBID (THAT…..)

– NÓI TRỘM VÍA

Thành ngữ ‘nói trộm vía’ (theo từ điển tiếng Việt nxb KHXH Hà Nội 1994 tr.600) đặt ở đầu câu khi khen một đứa trẻ nhỏ để tránh cho lời khen khỏi thành điềm gở:

– Nói trộm vía cháu, độ này nó mập lắm.

HEAVEN FORBID (THAT…..)

Thành ngữ ‘God/heaven forbid (that…) (theo từ điển Anh-Việt nxb tp HCM 1995 tr. 652) diễn tả một mong ước rằng một cái gì đó có thể không xảy ra):

– God/heaven forbid that anything awful should have happened to her.

– (Lạy trời đừng có bất cứ điều gì khủng khiếp xảy ra với cô ấy).

NGUYỄN THƯỢNG HÙNG VÀ CÁCH DỊCH ‘NÓI TRỘM VÍA’

Theo Nguyễn Thượng Hùng (trong Dịch thuật từ Lý thuyết đến Thực hành nxb VHSG 2005 tr. 96) thì quán ngữ ‘nói trộm vía’ là lời mở đầu khi nói lời khen sức khỏe trẻ nhỏ để tránh cho lời khen khỏi chạm vía và thành điềm gở theo mê tín. Ông cho rằng khi dịch quán ngữ này sang tiếng Anh, người dịch cần tìm cách diễn đạt bằng những ý tương tự, ông cho câu tiếng Việt và dịch câu đó tương đương sang tiếng Anh:

– Nói trộm vía cháu bé chóng lớn đấy.

– (God forbid that the baby has grown very quick.)

– PHỈ PHUI/THUI – TOUCH WOOD

PHỈ PHUI/THUI

Phỉ phui (có sách dùng phỉ thui) theo một website là khẩu ngữ, là tiếng thốt ra nhằm xóa đi lời coi là nói gở ngay trước đó: Phỉ phui, ăn nói đến thế là nhảm!

TOUCH WOOD

Touch wood (theo từ điển Anh-Việt nxb tp HCM tr. 1863) cách nói thường dùng khi chạm vào cái gì bằng gỗ, với hy vọng mê tín hoặc hài hước để tránh vận rủi):

– I’ ve been driving for 25 years and never had an accident – touch wood!

– (tôi đã lái xe 25 năm nay và chưa hề gặp tại nạn – phỉ thui!)

ĐẶNG CHẤN LIÊU VÀ LÊ KHẢ KẾ VỀ CÁCH DỊCH ‘NÓI TRỘM VÍA’

Theo Đặng Chấn Liêu và Lê Khả Kế (từ điển Việt -Anh nxb KHXH, 1992 tr. 1060) thì hai ông đã dùng cụm từ ‘touch wood’ tương đương với tiếng Việt trong ví dụ:

– Nói trộm vía , cháu dạo này nó đẫy ra

– (The little boy has put on weight these days, touch wood).

Có rất nhiều người cho rằng nói trộm vía’ ở tiếng Việt có thể tương đương với ‘God forbid (that..) và ‘touch wood’ ở tiếng Anh.

Theo bạn, ‘nói trộm vía’ thuộc ‘tính khả dịch’ (translatability) hay ‘bất khả dịch’ (untranslatability)?

LƯƠNG QUAN LUYỆN VÀ HIỆN TƯỢNG BẤT KHẢ DỊCH ‘NÓI TRỘM VÍA’

Theo Lương Quang Luyện trong bài viết ‘Có Hiện Tượng Bất Khả Dịch Không?’ (tr. 53-57) trong ‘Những Vấn Đề Ngôn Ngữ và Dịch Thuật, (5) thì từ ‘trộm vía’ là một hiện tượng không thể dịch được (untranslatability).

UNTRANSLATABILITY IN TRANSLATION (HIỆN TƯỢNG BẤT KHẢ DỊCH)

BẤT KHẢ DỊCH

Wikipedia định nghĩa về ‘bất khả dịch’: ‘Untranslatability is a property of a text, or of any utterance, in one language, for which no equivalent text or utterance can be found in another language when translated’ (‘Bất khả dịch là một đặc tính của một văn bản, hoặc bất kì một phát ngôn nào đó, ở một ngôn ngữ mà không hề có một văn bản hoặc một phát ngôn tương đương ở ngôn ngữ khác khi chúng được dịch).

Nhà lý thuyết dịch Catford phân rõ hai loại ‘bất khả dịch’ mà ông gọi tên là ‘bất khả dịch về ngôn ngữ’ (linguistic untranslatability) và ‘bất khả dịch về văn hóa’ (cultural untranslatability).

BẤT KHẢ DỊCH VỀ NGÔN NGỮ

Về mặt ngôn ngữ, Catford cho rằng ‘hiện tượng bất khả dịch xảy ra khi không có sự thay thế từ vựng hay cú pháp ở ngôn ngữ đích/dịch cho một hình thức như thế ở ngôn ngữ nguồn’ (On the linguistic level, untranslatability occurs when there is on lexical or syntactical substitute in the TL for an SL item).

Cấu trúc cú pháp sau đây trong một cuốn sách ngữ pháp ‘Practical English Usage’ (Michael Swan) mà ở tiếng Việt lại không có một sự thay thế cú pháp như vậy theo định nghĩa của Catford có thể xem là ‘bất khả dịch từ vựng’ khi xét từ góc độ dịch thuật từ Anh sang Việt. ‘I knew he was going to CAUSE TROUBLE, and CAUSE TROUBLE he did! (1),tr.165,)

BẤT KHẢ DỊCH VỀ VĂN HÓA

‘Bất khả dịch về văn hóa’ là do sự vắng mặt ở văn hóa của ngôn ngữ đích/dịch một đặc trưng tình huống liên quan cho văn bản của ngôn ngữ gốc (Cultural untranslatability is due to absence in the TL culture of a relevant situational feature for the SL text).

Có thể xem động từ ‘Nói trộm vía’ có nghĩa ‘(đặt ở đầu câu) khi khen một đứa trẻ nhỏ để tránh cho lời khen khỏi thành điềm gở’ như ở lời khen ‘NÓI TRỘM VÍA, cháu bé trông xinh quá’ . Hoặc dùng cách nói ngược ‘Cháu bé trông DỄ GHÉT CHƯA KÌA’ là một ‘bất khả dịch văn hóa’.

VĂN HÓA VÀ NGÔN NGỮ

Theo Nguyễn Quang (2), ở hành động khen một bé sơ sinh, tác động của việc ‘cấm kị’ đóng một vai trò nổi trội trong văn hóa và ngôn ngữ Việt. Người Việt không nói: ‘Cháu bé trông xinh quá’ thay vào đó họ dùng từ ‘trộm vía’ trước lời khen ‘Trộm vía, cháu bé trông xinh quá’. Hoặc dùng cách nói ngược ‘Cháu bé trông dễ ghét chưa kìa’.

NGUYÊN LÝ HỘI THOẠI VÀ PHÉP LỊCH SỰ

Theo Grice (6), nguyên lý cộng tác gồm một nguyên lý khái quát bao trùm và bốn phương châm.

– Nguyên lý cộng tác: Hãy làm cho phần đóng góp của mình ở một giai đoạn mà cuộc hội thoại được xem xét đúng như mục đích hay phương châm mà cuộc đối thoại đòi hỏi và mình đã chấp nhận tham gia.

– 4 phương châm:

– Phương châm lượng: Đưa ra lượng thông tin đúng như (nó) được đòi hỏi.

– (The maxim of quantity: give as much information as is needed.)

– Phương châm chất: Nói năng phải đúng.

– (The maxim of quality: speak truthfully.)

– Phương châm liên quan: Những điều nói ra phải có liên quan đến hội thoại.

– (The maxim of relevance: say things that are relevant.)

– Phương châm phương thức: Nói năng phải rõ ràng, ngắn gọn.

– (The maxim of manner: say things clearly and briefly.)

Nhìn chung, các phương châm có thể tóm gọn như sau: Làm thế nào để mỗi phương châm có hiệu lực và hiệu quả trong giao tiếp. Bất kì một sai lệch nào khỏi các phương châm trên đều được người tham dự (hội thoại) hiểu là sự hàm ý (implicature). Nói cách khác bên cạnh tuân thủ bốn phương châm và bằng cách như vậy tạo ra điều mà Grice gọi là hàm ý hội thoại (conversational implicature). Ví dụ, phát ngôn ‘Do you know what time is it?’ nếu được dùng như một câu hỏi sẽ chuyển nghĩa ‘I do not know the time: I wish to know the time’. Levinson (2, dẫn theo Mona Baker) gọi loại nghĩa này là hàm ý thông thường. Nếu cũng phát ngôn này và dùng như một câu hỏi tu từ, đúng ngữ cảnh với một ngữ điệu thích hợp, nó có thể có nghĩa: ‘You are very late’. Đây là điều mà Grice gọi là hàm ý hội thoại. Hàm ý này nảy sinh do người nói vi phạm phương châm chất vốn đòi hỏi sự chân thật: (nói năng phải đúng). Vậy sự vi phạm bất kì hoặc một vài phương châm nói trên có thể dẫn đến hàm ý hội thoại. Cho dù có một số đề xuất cho rằng nguyên lí cộng tác và các phương châm của Grice là phổ quát nhưng một số nhà ngôn ngữ không dễ dàng chấp nhận điều này. Cần lưu ý là có vẻ như các phương châm của Grice phản ánh trực tiếp các quan niệm được cho là có giá trị trong thế giới nói tiếng Anh, ví dụ sự chân thật, ngắn gọn và liên quan. Những phương châm này không nhất thiết có cùng giá trị ở nền văn hóa khác và người ta cũng không mong muốn nó làm nền tảng lý tưởng cho việc giao tiếp. Loveday (2, dẫn theo Mona Baker) quả quyết rằng tiêu chí chính xác ngôn ngữ được ưa chuộng ở văn hóa phương Tây không thể xem là điều hiễn nhiên và không được mỗi xã hội thừa nhận một cách phổ biến. Câu hỏi quan trọng nhất là liệu bốn phương châm do Grice đề xuất là thấu đáo và liệu có một phương châm nào đó phổ quát hơn ở các nền văn hóa khác nhau không?

NGUYÊN LÍ CỘNG TÁC VÀ PHƯƠNG CHÂM: NÓI NĂNG PHẢI LỊCH SỰ

Theo Mona Baker (2) chính bản thân Grice cũng thừa nhận rằng bốn phương châm là một danh sách chưa đầy đủ và gợi ý thêm những phương châm khác như ‘Hãy nói năng lịch sự’ (Be polite). Ở một số nền văn hóa có vẻ như Phương châm ‘nói năng phải lịch sự’ quan trọng hơn hẳn các phương châm khác. Loveday (2, dẫn theo Mona Baker) giải thích rằng từ ‘Không’ gần như là một từ thóa mạ trong tiếng Nhật vì vậy lối nói lập lờ, tránh né, thậm chí là nói dối được ưa thích hơn. Nếu đúng vậy, điều này gợi ý rằng các phương châm chất (nói năng phải đúng) và cách thức (nói năng phải rõ ràng) đã không được đếm xỉa gì khi người ta xem xét lịch sự ở một số nền văn hóa. Hẳn điều này sẽ gây sự giao thoa văn hóa trong hội thoại. Theo Gibney (2,dẫn theo Mona Baker) khi Tổng thống Nixon bày tỏ lo lắng về sự xuất khẩu gia tăng của ngành dệt Nhật sang Mỹ với Thủ tướng Sato vào năm 1970. Ông Sato đã trả lời là: ‘zensho shimasu’ được dịch nguyên văn là: ‘Tôi sẽ giải quyết vấn đề đó như tôi có thể’. Đối với Nixon, câu này có nghĩa là: ‘Tôi sẽ quan tâm về điều đó’ tức là Sato sẽ giải quyết vấn đề và tìm cách cắt giảm xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với Sato, đó chỉ là cách lịch sự để chấm dứt cuộc đàm thoại.

NGÔN NGỮ, VĂN HÓA, VÀ DỊCH THUẬT

Dù ‘Trộm vía, cháu bé trông xinh quá’ hoặc dùng cách nói ngược ‘Cháu bé trông dể ghét chưa kìa’ là một hiện tượng không thể dịch được nhưng xét từ góc độ giao thoa văn hóa, hai ví dụ trên có thể tương ứng chức năng với lời khen của ngôn ngữ Anh là: ‘He/She looks really cute’, ‘what a cute baby!’ và ngược lại khi chuyển các câu trên sang tiếng Việt xét theo phương châm ‘nói năng phải lịch sự’ thì câu trên phải được dịch là: ‘Trộm vía, cháu bé trông xinh quá’/’Cháu bé trông dễ ghét chưa kìa’. Rõ ràng phép lịch sự là một quan điểm tương đối vì vậy các nền văn hóa khác nhau có các tiêu chí khác nhau về hành vi lịch sự. Các nền văn hóa cũng có các ý tưởng khác nhau về điều khác nhau về điều ‘cấm kị’ và ‘không cấm kị’.

Sách tham khảo

1. Michael Swan (2009). Practical English Usage. Oxford

2. Baker, M. (1992), In Other Words: A Coursebook on Translation, Routledge.

3. Nguyễn Quang (2004), Một Số Vấn Đề Giao Tiếp Nội Văn Hóa Và Giao Văn Hóa. nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

4. Nguyễn Thượng Hùng (2005), Dịch Thuật: từ Lý Thuyết đến Thực Hành, nxb Văn Hóa Sài Gòn.

5. Susan Bassnett (2002). Translation Studies. Routledge.

6. Những Vấn Đề Ngôn Ngữ và Dịch Thuật, Trường ĐHSP Ngoại Ngữ Hà Nội (1993).

Từ điển tham khảo

1. Từ điển Anh-Việt. nxb Văn Hóa Sài Gòn. Viện Ngôn Ngữ Học.

2. Từ điển Dụng Ngữ. nxb Trẻ. Tác giả Trương Quang Phú.

3. Từ điển Tiếng Việt (1994). nxb Khoa Học Xã Hội. Văn Tân chủ biên.

4. Từ điển Việt-Anh. nxb Văn Hóa Thông Tin. Viện Ngôn Ngữ Học.

5. Oxford Advanced Learner’s Dictionary of Current English. Oxford.

6. Từ điển Longman Dictionary of Language Teaching & Applied Linguistics. Longman

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: