Bettertogether.

ĐẶC TÍNH TỪ VỰNG VÀ NGỮ PHÁP CỦA TIẾNG ANH PHÁP LÝ

ĐẶC TÍNH TỪ VỰNG VÀ NGỮ PHÁP CỦA TIẾNG ANH PHÁP LÝ

LEXICO-GRAMMATICAL PROPERTIES OF LEGAL ENGLISH

Nguyễn Phước Vĩnh Cố

Trường Đại Học Đà Nẵng

The law is the profession of words

David Mellinkoff [dẫn theo Standford,15]

TÓM TẮT

Bất kỳ ai đọc một văn bản tiếng Anh pháp lý hẳn phải nhận thức rằng nó trình bày hai thành phần cơ bản: các từ vựng chuyên môn (từ vựng) và các cấu trúc câu lạ lẫm (ngữ pháp). Cả hai thành phần này góp phần vào các đặc trưng riêng biệt của một văn bản viết của tiếng Anh pháp lý mà là nguyên nhân gây ra những khó khăn cho người đọc, người dịch, đặc biệt cho sinh viên học tiếng Anh. Đó là lý do tại sao bài báo giới thiệu, phân loại, mô tả các đặc trưng chính của tiếng Anh pháp lý như các từ cổ và các từ vựng ít khi sử dụng, từ Latinh, các cặp từ đồng nghĩa, từ ngữ chuyên môn. Bài báo cũng cung cấp một số đặc tính ngữ pháp thường được dùng trong các văn bản viết trong tiếng Anh pháp lý.

ABSTRACT

Anyone who reads a legal English text must be aware that it presents two fundamental components: specialized vocabularies (lexical) and unusual sentence structures (grammatical). They both contribute to the peculiarities of a written text in legal English which are the cause of some problems for any readers/translators, especially for students of English. This is the reason why the paper presents, classifies, and describes the main characteristics of legal English such as archaic or rarely used lexical items, Latin words, binominals, technical terms. Some grammatical properties of written texts in legal English are also introduced in the paper.

Keywords: legal English, Latin words, binominals, ESP, specialised English.

1.Giới thiệu

Trước hết, mục đích của bài báo là cung cấp cho sinh viên tiếng Anh nói chung và sinh viên luật nói riêng những kiến thức ngôn ngữ cơ bản của tiếng Anh pháp lý mà có thể hữu ích và quan trọng để có thể hiểu tốt hơn khi đọc các văn kiện pháp lý như hợp đồng thương mại, các điều lệ thành lập công ty…Hơn nữa, ngoài vai trò là ngôn ngữ thương mại quốc tế, tiếng Anh còn là một ngôn ngữ chung (lingua franca) của cộng đồng pháp lý quốc tế, vì vậy sinh viên Việt nam ngày càng được yêu cầu phải có được kiến thức đủ để làm việc trong lĩnh vực tiếng Anh pháp lý. Hy vọng rằng sinh viên ngoại ngữ và sinh viên luật quan tâm về tiếng Anh pháp lý sẽ nhận được ít nhiều lợi ích từ các đặc trưng riêng biệt trong “Đặc Tính Từ Vựng-Ngữ Pháp Của Tiếng Anh Pháp Lý”.

2. Thuật ngữ

Để trả lời câu hỏi: “Thuật ngữ” là gì?”, Từ điển Longman về Ngôn Ngữ Học Ứng Dụng và Giảng Dạy [14] định nghĩa “ là những đơn vị từ vựng đặc biệt xuất hiện trong một môn học hay một chủ đề chuyên ngành”. (the special lexical items which occurs in a particular discipline or subject matter). Ví dụ, clause (mệnh đề), conjunction (liên từ), và aspect (thể) là một bộ phận thuật ngữ của ngữ pháp tiếng Anh. Còn các thuật ngữ như crime (tội phạm), family law (luật gia đình), intellectual property (sở hữu trí tuệ), prosecution (sự truy tố), plaintiff (nguyên đơn), defendent (bị cáo) là một bộ phận của tiếng Anh pháp lý.

3. Các loại tiếng Anh pháp lý

Tiếng Anh pháp lý gồm nhiều thể loại (genres), mổi thể loại đều có nhiều đặc trưng riêng biệt. Ngôn ngữ pháp lý này được xếp từ các lời thoại tại tòa án, ví dụ như các luật sư và các nhân chứng trong cuộc đối chất, đến các biệt ngữ (jargons) do các người đang hành nghề luật dùng trong các giao tiếp liên nhân, đến ngôn ngữ viết trong các báo cáo luật, và các văn bản pháp lý tục lệ như các hiệp ước quốc tế, các quy định, chính sách bảo hiểm, các hợp đồng buôn bán hay di chúc.

4. Các đặc trưng của văn bản viết của tiếng Anh pháp lý

Các đặc trưng chính của một văn bản viết trong tiếng Anh pháp lý gồm hai thành phần: a) từ vựng b) ngữ pháp

4.1 Các đặc trưng từ vựng

4.1.1 Từ La-tinh và từ có gốc từ tiếng Pháp

Dù có những cải cách gần đây khuyến khích sử dụng tiếng Anh chứ không phải tiếng La-tinh trong hệ thống tư pháp Anh vẫn nhưng có rất nhiều thuật ngữ La-tinh** trong văn bản viết của tiếng Anh pháp lý. Tuy nhiên, một số từ La-tinh và từ có gốc từ tiếng Pháp lại rất quen thuộc với chúng ta (những người học tiếng Anh) đến nổi chúng ta ít thấy khó khăn khi gặp chúng trong các văn bản pháp luật như: “alias” (còn có tên khác là), “alibi” (bằng chứng ngoại phạm), “per se” (tự nó), “versus” (kiện ai), “terms” (điều khoản), “contract” (hợp đồng) …

(1). Mick Clark, alias Sid Brown, is wanted for questioning by the police.

(2). The suspects all had good alibis for the day of the robbery.

(3). The drug is not harmful per se, but is dangerous when taken with alcohol.

Bên cạnh các từ ngữ La-tinh và từ có gốc từ tiếng Pháp phổ biến nói trên, ta sẽ bắt gặp một số thuật ngữ La-tinh thường gặp nhưng đôi khi lại là trở ngại cho người đọc một văn bản pháp lý tiếng Anh:

ad hoc: chỉ dùng cho việc này. Ex: an attorney ad hoc: người được ủy quyền cho việc này.

affidavit: bản khai làm chứng.

bona fide: thiện ý, trung thực. Ex: a bona fide charity: hội từ thiện thiện ý.

caveat: sự báo trước.

de facto: tồn tại trong thực tế. Ex: a de facto ruler: người cai trị trên thực tế.

de jure: theo quyền hạn, theo luật pháp. Ex: the de jure king: ông vua theo luật pháp.

Giống như thuật ngữ Latinh, một số thuật ngữ tiếng Pháp do nhiều nguyên nhân cũng hiện diện trong tiếng Anh pháp lý. Một số ví dụ sau minh họa các thuật ngữ pháp lý tiếng Anh có nguồn gốc tiếng Pháp: contract (hợp đồng), proposal, schedule, terms, conditions, policy, alias, quash, plaintiff, appeal…v.v.

4.1.2 Các từ ngữ cổ hoặc từ ngữ ít dùng

Các từ ngữ này có thể là: a) trạng ngữ như “hereinafter” (dưới đây/sau đây) b) động từ như “darraign” (giải quyết một lời buộc tội hoặc cuộc tranh luận ) c) danh từ như “surrejoinder” (câu trả lời của nguyên đơn cho lời cãi của bị cáo) d) tính từ như “aforesaid” (vừa đề cập)…vv.

4.1.3 Các cặp từ đồng nghĩa/gần đồng nghĩa

Một số trong số các kết hợp đặc trưng nhất là những kết hợp mà các từ đồng nghĩa/gần đồng nghĩa kết hợp lại, đôi lúc là ba từ (trinominals) nhưng thông thường hai từ (binomials) như: “made and signed”, “terms and conditions”, “able and willing”…và ba từ: “build, erect and construct”. Các từ như thế có thể là danh từ (convenants and obligations), động từ (made and signed), tính từ (null and void) và thậm chí là giới từ (by and between).

Xin xem một vài ví dụ tiêu biểu sau:

(4). …the terms and conditions set forth in this agreement…

(5). This is the last will and testament of me…

(6). I give, devise, and bequest all my property of every nature and kind…

(7). The same may be amended, supplemented or modified in accordance with the terms here of…

Một số nhà ngôn ngữ (Brown & Rice [3], Maltzev [10], cho rằng kết quả của các cặp từ đồng nghĩa nói trên là do sự pha trộn của tiếng Anh, tiếng Pháp, và La-tinh. Để tránh mơ hồ nghĩa, những người làm luật đã dùng các từ từ các ngôn ngữ khác nhau. Các ví dụ về các cặp từ đồng nghĩa có sự pha trộn giữa các ngôn ngữ như: “breaking and entering” (Anh/Pháp), “fit and proper” (Anh/Pháp), “land and tentement” (Anh/Pháp), “will and testament” (Anh/La-tinh). Các cặp từ đồng nghĩa (Anh-Anh) như: “let and hinderance”, “have and hold”…

4.1.4 Cấu trúc đảo trật tự từ

Theo Close [5], một số danh từ ghép, theo trật tự từ: danh từ + tính từ tiêu biểu trong tiếng Anh pháp lý. Brown & Rice [3] gọi trật tự từ nói trên là đảo trật tự từ: attorney(s)-general (viên chưởng lý), court(s)-martial (tòa án quân sự), notaries-public (công chứng), governor-general (viên toàn quyền), decree absolute (án văn chung thẩm)…

4.1.5 Từ chuyên môn

Bên cạnh các đặc trưng từ vựng như từ La-tinh, từ cổ, từ đồng nghĩa…, một đặc trưng đáng lưu ý của thuật ngữ pháp lý là từ chuyên môn của nó. Theo Tiersma [dẫn theo Bouharaoui,2], nếu một từ hoặc cụm từ được dùng riêng biệt bởi một một nghề hoặc một ngành đặt biệt hoặc nếu ngành đó dùng từ đó theo một cách khác biệt với nghĩa thông thường của nó và từ đó có một nghĩa được định nghĩa tương đối rõ ràng, từ đó nên được xem là từ chuyên môn. Alcaruz và Brian [1] phân từ chuyên môn thành hai loại: a) các thuật ngữ thuần túy chuyên môn b) các thuật ngữ bán chuyên môn.

4.1.5.1 Các thuật ngữ thuần túy chuyên môn

Thuật ngữ thuần túy chuyên môn là các thuật ngữ chỉ ứng dụng trong lĩnh vực pháp lý chứ không ứng dụng ở các lĩnh vực khác. Một số ví dụ về thuật ngữ thuần túy chuyên môn trong lĩnh vực pháp lý như: decree (n): sắc lệnh, mortgage (n): văn tự cầm cố, sub-letting: cho thuê lại (một ngôi nhà, một căn hộ) mà mình là người thuê, deem (v): cho rằng, premises (n): cơ ngơi, tenant: chủ nhà, chủ đất, lease (n): hợp đồng cho thuê (nhà, đất), landlord: chủ nhà.

4.1.5.2 Các thuật ngữ bán chuyên môn

Các từ ngữ của thuật ngữ bán chuyên môn thuộc về từ vựng hàng ngày có thêm nghĩa trong ngữ cảnh pháp lý. Vì vậy, các từ ngữ này là từ đa nghĩa (polysemic), khó nhận ra nghĩa chính xác của chúng nếu không dựa vào ngữ cảnh mà chúng xuất hiện. Một vài ví dụ về các thuật ngữ bán chuyên môn như: assignment: nhiệm vụ (phổ thông*)/hành động chuyển nhượng (pháp lý), maintenance: sự duy trì, bảo quản/tiền chu cấp (pháp lý), consideration: sự suy xét/tiền thưởng, tiền công (pháp lý), construction: việc xây dựng/sự giải thích (pháp lý), prefer: ưa thích/buộc (tội) (pháp lý), title: tước vị, danh hiệu/quyền hoặc yêu sách đối với sở hữu tài sản (pháp lý). Xin xem một số ví dụ mà trong đó các thuật ngữ bán chuyên môn xuất hiện trong ngữ cảnh pháp lý.

(8) The author assigns the copyrights to the publisher.

(Tác giả chuyển nhượng quyền tác giả cho nhà xuất bản.)

(9) He has to pay maintenance to his ex-wife.

(Anh ta phải chi tiền chu cấp cho vợ cũ.)

(10) I will do it for you for a small consideration of ($50).

(Tôi sẽ làm việc đó cho anh với số tiền công ít ỏi là 50 đô la.)

(11) The sentence does not bear such a construction.

(Câu này không thể giải thích như thế được.)

(12) We haven’t enough evidence to prefer charges.

(Chúng ta không đủ chứng cớ để buộc tội

(13) Has he any title to the land?

(Anh ta có quyền gì đối với đất đai đó không?)

4.1.6 Sự lập lại thường xuyên các từ ngữ cụ thể

Tiếng Anh pháp lý thường xuyên lập lại các từ ngữ cụ thể thay vì dùng, ví dụ các quy chiếu đại từ hoặc các loại phép trùng lập (anaphora) khác. Trong ví dụ sau đây, ta sẽ thấy từ “chair” (chủ tịch) lập lại chín lần và từ “vice-chair” (phó chủ tịch) bốn lần trong tổng số 120 từ. (14) Powers of vice-chair 11. Where – (a) a member of a Board is appointed to be a vice-chair either by the Assembly or under regulation 10, and (b) the chair of the Board has died or ceased to hold office, or is unable to perform the duty of chair owing to illness, absence from England or Wales or any other cause, the vice-chair shall act as chair until the new chair is appointed or the existing chair resumes the duties of chair, as the case may be; and references to the chair in Schedule 3 shall, so long as there is no chair able to perform the duties of chair, be taken to include references to the vice-chair.

Lý do cắt nghĩa sự lập lại từ vựng là để đảm bảo tính chính xác của quy chiếu và tránh mơ hồ về nghĩa. Xin xem hai ví dụ minh họa sau: (15). The Lessee shall pay to the Lessor at the office of the Lessor.

(Người thuê nhà sẽ trả tiền cho người chủ cho thuê tại văn phòng của người chủ cho thuê.)

(16). The Lessee shall pay to the Lessor at his office.

(Người thuê nhà sẽ trả tiền cho người chủ cho thuê tại văn phòng của ông ta

Nếu ta dùng đại từ sở hữu “his” thay vì từ “lessor” trong cụm từ “at the office of the Lessor”, thì chắc chắn sẽ tạo ra sự mơ hồ về nghĩa. “His” trong trường hợp này làm cho người đọc/người dịch khó quyết định chính xác từ nào (lessee/lessor) là đại từ đang nói đến.

4.1.7 cụm giới từ

Bên cạnh việc việc lập lại các từ ngữ nói trên, tiếng Anh pháp lý còn thường xuyên dùng các cụm giới từ có nhiều từ như “in respect of” (về, đặc biệt nói về), “with respect to” (đối với), “in accordance with” (phù hợp với), “in pursuance of” (trong khi thực hiện) “pursuant to” (theo/thực hiện cái gì).

5.2 Các đặc trưng ngữ pháp

5.2.1 Động từ tình thái “shall”

Theo Swan [16], trong các hợp đồng và văn kiện pháp lý, “shall” thường được dùng với chủ ngữ ngôi thứ ba để chỉ bổn phận (obligations) và nghĩa vụ (duties). Brown và Rice [3] cho rằng “shall” được dùng với nghĩa hướng dẩn nhưng cũng lưu ý rằng một số nhà dự thảo pháp lý cho rằng việc dùng “shall” với nghĩa hướng dẩn nên tránh vì dể gây ra sự lúng túng (cho người đọc).

(17) The hire shall be alresponsible for maintenance of the vehicle.

(18) The tenant shall not sub-let the whole or part of the premises

(19) Notice of appeal shall be filed within 28 days.

5.2.2 Các đại từ vô nhân xưng

Văn phong tiếng Anh pháp lý tránh dùng đại từ nhân xưng (‘you’, ‘we’, ‘I’) nên ta có thể bắt gặp nhiều câu dùng chủ vô nhân xưng như: “no one”, “everyone”…

(20) No one may be subjected to slavery, servitude or forced labour.

(21) Everyone has the right of access to a) any information held by the state and b) any information that is held by another person, and that is required for the exercises or protection of any rights.

5.2.3 Dạng bị động

Một đặc trưng nổi bật của tiếng Anh pháp lý là việc sử dụng thường xuyên các động từ ở dạng bị động (is agreed, is made, shall be construed and governed, is construed or interpreted). Cấu trúc bị động chuyển một chủ ngữ sang vị trí tân ngữ có giới từ vì vậy cho phép loại bỏ tác nhân (Lightning struck the house/The house was struck by lightning/The house was struck). Finegan [7] nhận xét trong tiếng Anh pháp lý cả cấu trúc bị động không tác nhân (không có cụm từ “by”) lẫn cấu trúc bị động có tác nhân (có cụm từ “by”) đều phổ biến. Theo Williams [17] gần ¼ các cấu trúc động từ có ngôi số trong tiếng Anh pháp lý theo tục lệ (prescriptive legal English) có dạng thức bị động. Trong đoạn văn sau, ta có thể thấy năm cấu trúc động từ kề nhau dùng ở bị động:

(22)The acronym EURES shall be used exclusively for activities within EURES. It shall be illustrated by a standard logo, defined by a graphic design scheme. The logo shall be registered as a Community trade mark at the Office for Harmonization in the Internal Market (OHIM). It may be used by the EURES members and partners*.

5.2.4 Danh hóa

Theo Tiersma (1999) và Jackson (1995) [dẫn theo Williams ,17,115] các nhà dự thảo thường dùng tới danh hóa tức là tiến trình một từ ngữ ngữ pháp (thường là một ngữ động từ) được biến thành một cụm danh từ, ví dụ, to amend> to make an amendment. Danh hóa là những từ có hậu tố như: -ion, -tion, -ment, -ent, -ance, -ence, -ancy, -ency. Ví dụ, advance > advancement, arrange > arrangement, complete > completion, complex > complexity, decide > decision…

(23) An amendment to the Constitution of Canada may be made by proclamation issued by the Governor General.

(24) If the board holds a meeting (meets) on Friday, it will probably come to the conclusion (conclude) that the time has come to take action (act).

(25) No restriction may be placed on the exercise of these rights other than those imposed in comformity with the law…

5.2.5 Mệnh đề quan hệ được rút gọn (reduced relative clause)

Theo Finegan [7], một đặc trưng khác liên quan đến ngữ pháp trong tiếng Anh pháp lý là việc thường xuyên sử dụng mệnh đề rút gọn mà trong đó quan hệ đại từ và hình thức động từ “be” thường không xuất hiện trong mệnh đề. Những ví dụ sau cho thấy các từ bị lược bỏ trong ngoặc đơn.

(26) Loan (that is) secured.

(27) Rules and regulations (that are) promulgated thereunder.

(28) Paragraphs, clauses, or provisions (that are) so construed or interpreted.

Ngoài các đặc trưng chính nêu trên, tiếng Anh pháp lý còn dùng các câu dài, phức tạp mà ít dùng tới phép chấm câu và đặc biệt thường viết hoa các con chữ quan trọng và cần làm rỏ (xin xem hai phần này ở phần kết luận).

6. Kết luận

Với một phạm vi hẹp của một tờ báo nhưng tác giả bài báo này hy vọng rằng các nghiên cứu sơ lược về đặc trưng chính của tiếng Anh pháp lý có thể sẽ hữu ích cho sinh viên học ngoại ngữ cũng như sinh viên luật. Một lần nữa xin nêu bật lại các đặc trưng của tiếng Anh pháp lý lồng trong ba văn bản về các điều khoản hợp đồng thương mại sau đây [3,103], được trích trong cuốn sách học tiếng Anh chuyên ngành Luật (xin chú ý các từ gạch dưới, kèm theo các từ này là các con số nêu đặc trưng chính của thuật ngữ tiếng Anh pháp lý.)

1. This Agreement1 and benefits and advanntages2 herein3 contained are personal to each Member1 and shall4 not be sold, assigned or transferred2 by the Member1.

2. Lessor1,5,6 shall4 not be liable for loss of or damage to any property left, stored, or transported2 by Hirer1 or any other person in or upon2 Vehicle either before or after the return thereof 3 to Lessor1,5. Hirer hereby3 agrees to hold2 Lessor1,5 harmless from2, and indemnify5 Lessor against all claims based on or arising out of 2 such loss or damages unless caused by the negligence of Lessor1,5,7.

3.Title5 to property in the goods shall4 remain vested in2 the Company1,6 (notwithstanding3 the delivery of the same to the Customer1,6) until the price of the Goods1 comprised in the contract and all the other money due from the Customer1,6 to the Company1 on any other account has been paid in full7.

Nguồn: [dẫn theo Brown & Rice trong “Professional English in Use”, 3]

1Viết hoa các con chữ để nhấn mạnh các thuật ngữ quan trọng và cần nêu rỏ

2Dùng biệt ngữ pháp lý, kể cả việc dùng cặp từ đồng nghĩa, hoặc ba từ đồng nghĩa

3Dùng các từ cổ, thường ít khi dùng trong tiếng Anh phổ thông

4“Shall” được dùng với nghĩa “bổn phận”/”nghĩa vụ”

5Dùng từ chuyên môn

6Tránh dùng đại từ

7Dùng câu dài, không sử dụng phép chấm câu

Xin mượn lời nhận xét của Mellinkoff để thay lời kết cho bài báo. “Nghề luật là nghề của từ ngữ”.

Phụ lục I: các từ Latinh thường gặp trong văn bản pháp lý

1. ad hoc/ adhoc: chỉ dùng cho việc này 2. ad referendum: có sự trưng cầu ý kiến 3. affidavit: bản khai làm chứng 4. bona fide: thiện ý, trung thật 5. caveat: giấy (sự) báo trước 6. de facto: tồn tại trên thực tế 7. de jure: theo quyền hạn, theo luật pháp 8. et cetera (etc.): vân vân 9. ex acquo et Bono: công bằng 10. exempli gratia (e.g): ví dụ 11. ex parte (ex p.): của một bên, từ một bên 12. id est (i.e.): tức là 13. in camera: (vụ án) không công khai, riêng tư 14. in curia: công khai (tại tòa) 15. in situ: ở vị trí ban đầu, đúng chỗ của nó 16. inter alia: trong số các điều khác như 17. ipso facto: chỉ do chính sự việc ấy 18. leit motiv: chủ đề nhất quán 19. mutatis-mutandis: với những thay đổi cần thiết từng chi tiết 20. per pro: thay mặt cho 21. per se: tự nó 22. prima facie: thoạt nhìn, ngay khi xuất hiện 23. propio moto: theo riêng mình 24. pro rata: theo tỷ lệ 25. quasi: y như thể 26. sub judice: vụ đương cứu 27. ultra vires: lạm quyền, không được phép 28. videlicet (viz): tức là

Phụ lục II: các từ ngữ cổ và từ ngữ ít sử dụng

1. the aforementioned/the foregoing: vừa nêu, vừa đề cập 2. the undermentioned: dưới đây 3. hereafter: sau đây, dưới đây 4. hereby: bằng cách này 5. herein: trong văn kiện này, tại đây 6. hereof: về điều này 7. hereto: theo điều này 8. herewith: cùng với, kèm theo đây 9. notwithstanding: cho dù 10. thereafter: sau đó 11. thereby: bằng cách đó 12. therein: trong đó 13. thereof: về điều đó 14. thereto: theo đó 15. therewith: với điều đó

Phụ lục III: các cặp từ đồng nghĩa/gần đồng nghĩa thường gặp trong văn bản pháp lý

* Các cặp từ đồng nghĩa (danh từ) 1. act and deed: hành vi 2. cost and expense: chi phí 3. full force and effect: có hiệu quả 4. kind and character: loại 5. kind and nature: loại 6. law and acts: đạo luật 7. power and authority: quyền lực 8. terms and conditions: điều khoản và điều kiện

* Các cặp từ đồng nghĩa (động từ) 1. alter, amend, modify, or change: sửa đổi, chỉnh lý 2. assign and transfer: chuyển nhượng 3. assume and agree: đồng ý 4. authorise and empower: ủy quyền 5. bind and obligate: bắt buộc 6. cover, embrace and include: bao gồm 7. finish and complete: hoàn thành 8. furnish and supply: cung cấp 9. give and grant: cho, cấp 10. give, devise, and bequeath: để lại 11. have and obtain: có được 12. have and keep: giữ 13. hold and maintain: duy trì, giữ gìn 14. make and conclude: duy trì, giữ 15. make and enter: ký kết và bắt đầu thực hiện 16. modify and change: thay đổi 17. request and require: yêu cầu, đòi hỏi 18. understood and agreed: được tin là đồng ý

* Các cặp từ đồng nghĩa/gần đồng nghĩa (tính từ) 1. deemed and considered: được xem lại 2. due and payable: phải trả 3. effective and valid: có hiệu lực 4. fit and suitable: thích hợp 5. final and conclusive: sau cùng 6. full and complete: đầy đủ 8. known and described as: được mô tả như 9. null and void: không có giá trị 10. sole and exclusive: độc quyền, duy nhất 11. true and correct: đúng và chính xác

* Các cặp từ đồng nghĩa/gần đồng nghĩa (giới từ) 1. by and between: giữa (các bên) 2. by and under: bởi (do) 3. by and with: với (và) 4. for and during the term of: trong thời hạn 5. from and after: kể từ 6. of and concerning: về 7. over and above: trên 8. save and except: trừ, ngoại trừ 9. under and subject to: theo 10. with regard to and in connection with: về, có liên quan về

* Các cặp từ đồng nghĩa/gần đồng nghĩa (trạng từ) 1. entirely and completely: hoàn toàn 2. willfully and knowingly: có chủ tâm, có ý      Nguồn: [dẫn theo Hoa Tôn Quang trong “diendandichthuat.info”, 9]

Sách Tham Khảo

[1] Alcaraz, E & Huges, B, (2002), Legal Translation Explained. Manchester: St. Jerome. Publishing.

[2] Bouharaoui, A. (2011), Some Lexical Features of Legal Language. Truy cập từ http://www.translationdirectory.com/articles/article1763.php

[3] Brown, G. D & Rice, S, (2007), Professional English in Use Law, CUP.

[4] Cao Xuân Thự (2011), Những Thuật Ngữ La-tinh Trong Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Truy cập ngày 2/11/2011 từ biengioilanhtho.gov.vn/…/nhungthuatngulatintro…

[5] Close, RA (1975), A Reference Grammar for Students of English. Longman.

[6] Dave, Sandeep (2002), Features-Plain Language and Law. Truy cập ngày 23/11/2011 từ http://www.llrx.com/features/plainlanguage.htm [7] Finegan, Edward (2004), Language: Its Structure and Use, Thomson wadsworth.

[8] Gifis, S.H (2008), Dictionary of Legal Terms, NXB Barron’s.

[9] Hoa Tôn Quang, (2011), Từ và Cụm Từ Thường Gặp Trong Hợp Đồng Tiếng Anh. Truy cập từ dichthuatvietnam.info>…> Pháp lý (Legal terms) ngày 9/11/2011.

[10] Maltzev, V. A, (1984), Essays on English Stylistics, Vysheishaya Shkola Publishers.

[11] Mckay, W R. & Charlton, H E, (2005), Legal English: How to Understand and Master the Language of Law. Longman.

[12] Nguyễn Ngọc Điệp, (1997), 1200 Thuật Ngữ Pháp Lý Việt Nam, NXB Thành Phố HCM.

[13]Phạm Minh, (2001), Pháp Luật Kinh Doanh Theo Hiệp Định Thương Mại Việt Nam-Hoa Kỳ. NXB Thống Kê.

[14] Richards & et al. (1999), Dictionary of Language Teaching & Applied Linguistics, Longman.

[15] Schane, Standford, (2011), Language and the Law. Truy cập ngày 23/11/2011 từ ling.ucsd.edu/courses/ling105/introduction.pdf [16] Swan, Michael, (2009), Practical English Usage. Oxford University Press.

[17] Williams, C (2011), Legal English and Plain English. Truy cập ngày 27/11/2011 từ http://www.scienzepoliche.uniba.it/area_docenti/…/116_Williams.pdf

[18] Zurcher & Smith, (1966), Dictionary of American Politics, Barnes & Noble.

1 Response »

  1. bài viết hay, có ích cho sinh viên chuyên ngành

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: