Bettertogether.

DẠNG THỨC XƯNG HÔ VÀ CẤU TRÚC VÔ NHÂN XƯNG TRONG DIỄN NGÔN TIẾNG ANH KHOA HỌC

DẠNG THỨC XƯNG HÔ VÀ CẤU TRÚC VÔ NHÂN XƯNG TRONG DIỄN NGÔN TIẾNG ANH KHOA HỌC

ADDRESS FORMS AND IMPERSONAL CONSTRUCTIONS IN SCIENTIFIC ENGLISH DISCOURSE

Nguyễn Phước Vĩnh Cố

Đại Học Đà Nẵng

TÓM TẮT

Nghiên cứu khoa học luôn là mối quan tâm chính đối với hầu hết giáo viên và sinh viên Việt nam. Tuy nhiên, viết các báo cáo và bài báo khoa học và kỹ thuật bằng tiếng Anh mới là vấn đề thách thức của họ. Với văn phong khoa học, một số quy tắc và quy ước như dạng thức xưng hô, cấu trúc vô nhân xưng hoàn toàn khác biệt với các quy tắc và quy ước trong hội thoại hàng ngày. Bài báo nghiên cứu các dạng thức xưng hô (các phương tiện ngôn ngữ để quy chiếu mình và các dạng thức xưng gọi với người nghe) và các chiến lược vô nhân xưng (dạng bị động không nêu tác nhân, cấu trúc vô nhân xưng…). Bài báo cũng thảo luận về hai hệ thống quy chiếu được dùng trong diễn ngôn khoa học tiếng Anh và tiếng Việt, chỉ ra sự khác biệt và tương đồng giữa chúng.

ABSTRACT

Scientific research is always a main concern for most Vietnamese teachers and students. However, writing scientific and technical articles and reports in English is just a challenging problem for them. In scientific writing, certain rules and conventions such as the forms of address, impersonal constructions are entirely different from those in everyday conversation. The paper studies address forms (the means of self-reference and the forms used by the speaker to address the listener) and the impersonality strategies ( the agentless passive, impersonal constructions…). The paper also discusses the two reference systems used in scientific English and Vietnamese discourse, indicating the differences and similarities between them.

Keywords: scientific discourse, address forms, personal pronouns, impersonality, passive, nominalisation, reference systems.

1. Lời nói đầu

Hiện nay giới học thuật và khoa học trên thế giới cũng như ở Việt nam muốn báo cáo các công bố hiểu biết của mình đều phải thông qua các bài báo và các báo cáo khoa học kỹ thuật bằng tiếng Anh. Tuy nhiên họ (ngay cả các nhà khoa học nói tiếng Anh) thường đứng trước hai sự lựa chọn liên quan đến việc sử dụng dạng thức xưng hô. Một là, các sách hướng dẫn viết báo cáo và bài báo khoa học và kỹ thuật bằng tiếng Anh, theo truyền thống, thường khuyên dùng cấu trúc vô nhân xưng, tránh cho việc dùng ngôi thứ nhất số ít (Weissberg: 1990 ), hoặc dùng ngôi thứ ba số ít để chỉ tác giả như ‘tác giả’ (the author), ‘người nghiên cứu’ (the researcher’, ‘người viết’ (the writer) thay cho ngôi thứ nhất số ít (Teitelbaum: 1989). Hai là, một xu hướng khác, đối lập với quan điểm trên ‘cổ xúy’ việc dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít trong các văn bản học thuật (Kuo, 1999), (Tang & John, 1999), (Hyland, 2001). Hyland [6], nêu một danh sách dài về các tác giả phản đối quan điểm dùng ngôi thứ nhất số ít trong DNKH như Rowntree (1991), Spencer và Arbori (1996), Lester (1993), Arnaudet và Berrett (1984), Jones và Keene (1981) và một danh sách khác ủng hộ việc dùng ngôi thứ nhất số ít như Ivanic (1998), Ivanic và Simpson (1992), Bartholomae (1985)…vv. Hai quan điểm đối lập này làm bối rối không ít người khi muốn công bố các công trình nghiên cứu của mình bằng tiếng Anh. Vì vậy, bài báo tập trung thảo luận hai quan điểm này và đặc biệt phân tích hai hệ thống quy chiếu ở tiếng Anh và tiếng Việt nhằm cung cấp cho sinh viên ngoại ngữ nói chung và sinh viên chuyên ngành nói riêng việc hiểu biết hơn về hệ thống quy chiếu và các dạng thức xưng hô trong diễn ngôn khoa học (DNKH) ở hai ngôn ngữ.

2. Dạng thức xưng hô là gì?

Richards và các cộng sự [15] cho rằng dạng thức xưng hô/từ xưng hô (address forms/terms, forrms/terms of address) là từ hoặc các từ được dùng để xưng hô một ai đó khi nói hoặc viết. Khi nói đến dạng thức xưng hô trong tiếng Anh không thể không nói đến đại từ nhân xưng: hệ thống cốt lõi cơ bản nhất trong giao tiếp xưng hô .

2.1 Đại từ nhân xưng

Cũng theo Richards và các cộng sự, đại từ nhân xưng là hệ thống đại từ mà các đại từ đó biểu thi phạm trù ngữ pháp của ngôi mà hệ thống các từ này ở trong tiếng Anh được tạo thành bởi một loạt từ đơn giản như I, you, he, she, it, we, they và các dạng thức phái sinh của các đại từ đó (me, mine, yours, his, her). Theo ngữ pháp truyền thống, người ta thường đề cập 3 ngôi nhân xưng:

*Ngôi 1: biểu thị người nói.

*Ngôi 2: người mà hành động người nói hướng tới.

*Ngôi 3: người mà hành động người nói không trực tiếp hướng tới.

Ở đây có hai quan điểm. Ngữ pháp truyền thống khi xét về đại từ nhân xưng thì thừa nhận ba ngôi nhân xưng nhưng trong ngữ pháp giao tiếp chỉ có hai ngôi nhân xưng điển hình nhất được xem là đại từ xưng hô là ngôi 1 và ngôi 2.

3. Diễn ngôn khoa học và từ xưng hô

3.1 Diễn ngôn khoa học là gì?

Định nghĩa của Cecchetto & Stroinska [3], dù khá ngắn gọn nhưng đầy đủ để trả lời câu hỏi này: diễn ngôn tri thức (từ ‘tri thức’ Cecchetto & Stroinska dùng thay cho từ khoa học), như các trường hợp giao tiếp của con người, xảy ra trong một ngữ cảnh tình huống cụ thể và tuân thủ các quy tắc và quy ước nào đó, khác biệt với quy tắc và quy ước áp dụng cho hội thoại hằng ngày.

3.2 Từ xưng hô trong diễn ngôn khoa học

Có thể nói trong bất kỳ hoạt động giao tiếp nào, khó có thể tránh việc sử dụng từ xưng hô. Trong giao tiếp bằng tiếng Anh, nếu sử dụng đại từ nhân xưng thì chỉ có hai dạng thức ‘I’ và ‘We’ được dùng như phương tiện ngôn ngữ để “nói về mình” và một dạng thức duy nhất ‘You’ được dùng để ‘xưng hô’ với người nghe. Tuy nhiên trong diễn ngôn khoa học (bài báo khoa học và báo cáo khoa học) ta thường thấy vắng bóng hai ngôi nhân xưng nói trên, đặt biệt là ngôi thứ nhất số ít ‘I’ .

3.3 Đại từ ngôi thứ nhất và tự thuật vô nhân xưng trong diễn ngôn khoa học

Trước hết, các nguyên tắc tu từ khoa học truyền thống không ‘cổ xúy’ việc dùng ngôi thứ nhất số ít trong diễn ngôn khoa học. Svobodova và một số cộng sự [17] khuyên người viết nên tránh mô tả các kết quả nghiên cứu ở ngôi thứ nhất số ít (I/me/my) vì thông thường các đại từ này chỉ được sử dụng bởi các nhà nghiên cứu danh tiếng. Các tác giả này cho rằng cấu trúc (we/us/our) được ưa thích hơn nhờ có chức năng tu từ: ‘gộp’ tác giả vào, cùng làm đồng thành viên của một nhóm. Như vậy, nếu muốn phát biểu là ta có thể trình bày các kết quả có tích cực và thành công hay không, ta có thể nói: we do not yet know. Joshi [7], lưu ý rằng nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới đã dùng ngôi thứ nhất: thỉnh thoảng nhà bác học Einstein dùng ngôi thứ nhất…Nhà toán học Feynman một đôi khi dùng ngôi thứ nhất. Các nhà khoa học Curie, Darwin, Lyell, và Freud cũng vậy. Theo Hyland [6], sách hướng dẫn khoa học “The Manual on Scientific Writing (1993) khuyên các tác giả dùng ngôi thứ nhất. Weissberg và Buker [20], cho rằng theo truyền thống thụ động cách được dùng để mô tả phương thức với mục đích xóa đi cá nhân hóa thông tin đồng thời cho phép ta loại bỏ tác nhân (thường là ‘I’ / ‘we’), để nhấn mạnh phương thức hoặc cách phương thức thực hiện.

(1). In this study the phenomenon X was examined thay cho “In this study I/we examined the phenomenon X”.

(2). Tests were conducted (by me) with four different types of reactors.

Tuy nhiên, các giáo sư và người biên tập có thể yêu cầu cụ thể ta không dùng dạng thụ động vì họ ưa thích một văn phong có tính cá nhân hơn qua viêc sử dụng thường xuyên các đại từ ‘I’ / ‘we’. Cecchetto & Stroinska [3] cho rằng một số tác giả có cá tính sử dụng quy chiếu ngôi thứ nhất số ít để nêu bật các khía cạnh của lý thuyết, sự phân tích, hoặc phương thức mà biểu thị cái mới. Việc chuyển quy chiếu sang ngôi thứ nhất số nhiều hoặc nhấn mạnh tư cách thành viên của họ trong cộng đồng lớn hơn của các nhà nghiên cứu hoặc để giúp ‘khán giả’ trở thành người tham gia vào bài báo.

(3) (i) I will briefly describe the problem solving domain…

(i) I suggest that the goal, in part, includes the following…

(i) I have given a high-level description of our goal, and suggestion of how to achieve it. Now I ask what we have accomplised after nearly 20 years in the trenches since the first intelligent tutoring system..

(ii) As reseachers, we accept…

(ii) We must continue to do reseach…

Mặc dù nhiều tác giả có cá tính tiếp tục dùng nhân xưng có tính cá nhân – ngôi thứ nhất số nhiều, chỉ công trình nghiên cứu của chính mình- vốn là tiêu chí có từ lâu trong diễn ngôn khoa học khi không dùng đến cấu trúc vô nhân xưng.

(iii) We intend the mode of interaction of PITS to be interactive.

(iii) We judge a solution for a task…

(iii) We argue for providing a discourse manager.

Ở tiếng Việt, theo Nguyễn Thiện Giáp [11], ‘chúng tôi’ được dùng để chỉ tôi cộng với một số hay nhiều người khác, ví dụ: chúng tôi đều nghĩ như vậy được. “Chúng tôi” còn được dùng để tự xưng mình một cách trang trọng khi viết sách, báo, đơn từ…v.v, ví dụ: chúng tôi xin giới thiệu một số kết quả bước đầu của dự án nghiên cứu. Nguyễn Văn Chiến [12], phát biểu rằng trong phong cách ngôn ngữ khoa học, xưng hô được hiện thực hóa như một khuôn mẫu: thái độ của người xưng gọi (người viết báo cáo khoa học) thường trung hòa, vừa phải, đôi lúc khiêm nhường cùng với việc lựa chọn và sử dụng các đại từ xưng hô ngôi thứ nhất, số ít (tôi) hoặc khiêm nhường hơn, đại từ ngôi thứ nhất số nhiều (chúng tôi); đôi khi ta bắt gặp các ngữ thức xưng hô: ‘tác giả bài báo này’, ‘người viết công trình này’. Trái lại, Vũ cao Đàm [19], cho rằng lời văn trong tài liệu khoa học nên thường được dùng ở thể bị động. Ông khuyên nên viết ‘công cuộc điều tra đã được tiến hành trong 5 tháng’ thay vì viết ‘chúng tôi đã thực hiện công cuộc điều tra trong 5 tháng’.

4. Tính khách quan trong diễn ngôn khoa học

Một trong những đặc tính của DNKH là tính khách quan (objectivity) vốn được xem là dấu hiệu phân biệt nó với hoạt động giao tiếp phi khoa học. Trong hoạt động giao tiếp hàng ngày, tính chủ quan (subjectivity) vốn là lẽ tự nhiên nhưng trong hầu hết các ngành khoa học lại được xem là điều xấu bởi vì “kiến thức khoa học hướng tới tính khách quan trọn vẹn và nổ lực nêu lên những gì đã được khám phá bởi tri thức tập thể của nhân loại” [Russell, dẫn theo Cecchetto & Stroinska, 3]. Nhận xét này có thể được xem là một trong những lý giải cho “các lựa chọn các chiến lược quy chiếu của các tác giả DNKH phụ thuộc vào các nhân tố tương liên mà khác với các nhân tố ảnh hưởng tới sự lựa chọn các dạng thức xưng hô trong giao tiếp hàng ngày”.

5. Phạm trù lịch sự trong dạng thức xưng hô trong diễn ngôn khoa học

Nói tới phạm trù lịch sự phải nói tới khái niệm thể diện, nói tới khái niệm thể diện phải nói tới Brown và Levinson (1987) là hai học giả đã dựa trên khái niệm “thể diện” (face) của Goffman (1967) và đưa ra khái niệm lịch sự trong giao tiếp. Tuy nhiên trong DNKH khi nói tới phạm trù này phải nói tới Myers (1989), người đã áp dụng các chiến lược lịch sự của Brown và Levinson (1987) dựa vào các phân tích các cặp trao đáp trong hội thoại nay mở rộng sang các thể loại văn bản viết. Tuy nhiên cũng cần lưu ý* rằng dù quan niệm lịch sự của Brown và Levinson dựa vào các chiến lược lịch sự cá nhân, khác hẵn với ngôn ngữ Á Đông như tiếng Việt vốn diễn tả phép lịch sự dựa vào các chiến lược lịch sự quy định bởi các chuẩn mực xã hội nhưng hai hệ thống quy chiếu được dùng trong DNKH tiếng Anh và tiếng Việt có hầu hết các điểm tương đồng mà chúng tôi sẽ đề cập ở mục 7. Myers [10] phân tích các chiến lược lịch sự theo các quy tắc (regularities) ở bài viết khoa học mà thường được giải thích theo các quy ước. Khi mô tả DNKH người ta thường xem xét các chiến lược lịch sự này để duy trì sự tương tác xã hội giữa người đọc và người viết. Trong ngữ cảnh giao tiếp khoa học, người nghiên cứu thực hiện hai công việc cơ bản: đưa ra một khẳng định (claim) và mâu thuẫn với các lý thuyết và niềm tin trước đó. Cả hai hành động đều có thể là hành vi bất lịch sự và là điều mà Brown và Levinson gọi là hành vi đe dọa thể diện (Face Threatening Act – FTA). Scollon và Wong scollon [dẫn theo Samon và Montreal] đã phân biệt hai hệ thống lịch sự, đó là lịch sự kết đoàn (solidarity politeness) và lịch sự lễ phép (deference politeness). Lịch sự kết đoàn (phép lịch sự dương theo cách gọi của Brown và Levinson) là hệ thống qua đó các người tham dự cảm thấy hoặc biểu thị sự gần gũi với nhau, không có sự phân biệt quyền lực hoặc khoảng cách giữa các người tham gia. Trái lại lịch sự lễ phép (phép lịch sự âm theo cách gọi của Brown và Levinson) thì người tham dự được xem là bình đẳng hoặc gần bình đẳng nhưng đối sử với nhau có một khoảng cách. Theo Myers, các chiến lược lịch sự dương [10] là dựa vào sự chia sẻ các nhu cầu của khán giả và cho thấy sự chấp thuận của tác giả về mong muốn của những người nghiên cứu đối địch hoặc của cộng đồng khoa học nói chung. Mặt khác, các chiến lược lịch sự âm được nhận thức qua các chiến lược đảm bảo độc giả rằng tác giả tránh áp đặt sự mong muốn và tự do hành động của độc giả. Myers cũng chỉ ra hầu hết các đặc trưng được xem là quy ước trong DNKH như “che chắn”, hoặc “cấu trúc vô nhân xưng” thường có thể lý giải lại là các phương sách lịch sự âm tính (negative politeness devices) khi chúng phản ảnh quan điểm phù hợp đối với việc công bố trước cộng đồng. Các phương sách như thế báo hiệu các khẳng định hoặc các phát biểu khác là tạm thời, trong khi chờ đợi sự chấp nhận bởi cộng đồng, sự chấp nhận bởi độc giả.

6. Cấu trúc vô nhân xưng

Theo Bell [1], vô nhân xưng là biện pháp mở rộng qua đó người tạo ra một vănbản- người viết hoặc người nói- tránh quy chiếu mình hoặc quy chiếu người nghe hoặc người đọc. Richards và các cộng sự [15] cho rằng cấu trúc vô nhân xưng là một loại câu mà không đề cập ai   thực hiện điều gì hoặc cái gì thực hiện điều gì. Từ các định nghĩa này, ta có thể tránh dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít bằng các cách sau: cấu trúc thụ động; danh hóa; cấu trúc “it”; nhân cách hóa các nghiên cứu (bằng các chủ ngữ không chỉ người); dùng đại từ nhân xưng bất định “one”; dùng đại từ “we” thay cho “I”.

6.1 Cấu trúc thụ động

Theo Svobodova và các cộng sự [17], thụ động cách thường được dùng trong văn bản khoa học và kỹ thuật vì hình thái vô nhân xưng và khách quan và hành động thường được xem là quan trọng hơn tác nhân hoặc người thực hiện.

(4). The survey was conducted by the Pristop Communication Group.

(5). The results have not yet been analysed. Dùng cấu trúc thụ động cũng là cách tránh dùng ngôi thứ nhất số ít trong DNKH.

(6). It can be concluded that…thay cho I/we can conclude that…

(7). It is assumed that…thay cho I/we assume that.

Cần lưu ý có 2 loại cấu trúc bị động: 1. cấu trúc bị động có nêu tác nhân 2. cấu trúc bị động không nêu tác nhân.

(8a). To avoid tensile stress reflecting from the free bounderies, a star-shaped flyer plate has been proposed by Kumar và Clifton.

(8b). The distance between the bars was measured.

6.2 Danh hóa

Richards và các cộng sự [như đã nêu] định nghĩa danh hóa (nominalisation)là quá trình ngữ pháp hình thành các danh từ từ các từ loại khác, thường là các động từ hoặc tính từ. Ví dụ, hình thành danh từ “presence” từ tính từ “present”, hình thành danh từ “formation” từ động từ “form”. Theo Brown và Levinson [2] khi ta danh hóa chủ ngữ thì câu trở nên trang trọng hơn, việc này giúp tác giả khỏi dính líu đến sự khẳng định trong câu. Chiến lược danh hóa phổ biến trong DNKH nhằm tránh ngôi thứ nhất số ít là chiến lược thay hình thái một động từ bằng một hình thái danh từ (ví dụ: describe>description) và thường kèm theo một động từ “rỗng” về mặt ngữ nghĩa như “give”, “take” khi ở dạng bị động.

(9a). I/we analysed the relations between age, experience, and productivity in one particular industry.

(9b). An analysis was carried out of the relations between age, experience, and productivity in one particular industry.

Theo Halliday [dẫn theo Holtz], diễn ngôn khoa học gồm nhiều dạng thức diễn ngôn mà qua đó các hoạt động “đang thực hiện khoa học” được tiến hành, dựa vào sự kết hợp giữa tính chuyên môn lý thuyết với lý luận hợp lý. Điều này đạt được qua các phân loại thuật ngữ chuyên môn rõ ràng và ngữ pháp kỹ thuật thích hợp của DNKH, ví dụ qua danh hóa. Danh hóa là một bộ phận của hiện tượng ẩn dụ ngữ pháp mà qua đó “phạm trù ngữ nghĩa ví dụ như một tiến trình được nhận thức bởi một loại ngữ pháp không tiêu biểu như một danh từ thay vì một động từ [Martin & Rose dẫn theo Holtz]. Danh hóa từ tính từ, từ động từ có thể được bắt gặp qua một vài ví dụ sau:

(10). Both oxygen and water are present > presence of both oxygen and water.

(11). Nitric oxide is reduced > reduction of nitric oxide.

6.3 Cấu trúc vô nhân xưng-‘it’

Việc dùng cấu trúc này trong DNKH cũng là một phương tiện được dùng để tránh đề cập tác giả trong diễn ngôn.

(12a). It is very convenient to treat the subject of chemiorption from a thermodynamical point of view rather than from a statistical one.

(12b). In the research presented here, it was experimentally found that meshing friction differs from position-dependent friction.

(12c). It has been shown that the generated trajectories are smooth, always obeying the position constraints at the starting and goal configurations.

6.4 Nhân cách hóa các nghiên cứu (bằng các chủ ngữ không chỉ người)

Ta thường bắt gặp các từ ngữ như: the/this study shows…, the/this research aims to… thay thế chủ ngữ chỉ người trong DNKH

(13a). The study reported here examined patterns of health-care use.

(13b). This research aims to assess two theories of behavior.

6.5 Dùng đại từ nhân xưng bất định “one”

Trong DNKH, người ta có thể dùng đại từ nhân xưng bất định “one” thay cho ngôi thứ nhất (I/we), ví dụ: “one considers that…”

7. Sự tương đồng và khác biệt giữa hai hệ thống quy chiếu tiếng Anh và tiếng Việt trong diễn ngôn khoa học

Điểm chung thứ nhất giữa hai hệ thống quy chiếu tự giới thiệu ở tiếng Anh và Việt trong DNKH đều sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất – số ít và số nhiều. Điều này rất khác biệt khi người Việt sử dụng một loạt các dạng thức xưng hô ngôi thứ nhất trong giao tiếp hằng ngày so với người Anh chỉ có hai dạng thức (I và we). Tuy nhiên điểm khác biệt ở đây là ở tiếng Anh, rất nhiều tác giả [đã nêu ở trên] cũng như sách hướng dẩn nghiên cứu khoa học ủng hộ việc dùng ngôi thứ nhất số ít trong DNKH thì ở tiếng Việt gần như vắng bóng ngôi này. Đặc biệt, bên cạnh dùng ngôi thứ nhất số ít ở DNKH tiếng Anh, còn thấy có các dạng thức sở hữu (my, our) để nêu bật sự đóng góp của tác giả bằng cách kết hợp chúng gắn liền với công trình của họ. Các danh từ kết hợp phổ biến với dạng thức sở hữu này là: analysis, approach, research, argument, results, study [Kuo: dẫn theo Hyland]. Ở tiếng Việt, cũng như đại từ ngôi thứ nhất “tôi”, dạng thức sở hữu “của tôi” cũng rất ít hiện diện trong DNKH. Tuy nhiên, “của chúng tôi” (hàm nghĩa “của tôi”) được dùng khá nhiều trong DNKH.

(14a) As demonstrated through my analysis, a significant rhetoric task in this process…

(14b) Our method allows a more accurate identification of such defects in the asembly.

(14c) Xét theo các phạm trù này, quan sát của chúng tôi cho thấy…

Kế đến là cả hai hệ thống hoặc dùng ngôi thứ ba số ít để chỉ tác giả thay vì ngôi thứ nhất như “The writer’’ (người viết), “The author” (tác giả), “The reseacher” (người nghiên cứu) hoặc dùng cấu trúc chủ động vô nhân xưng mà chủ ngữ nhân xưng được thay thế bởi một thực thể không phải là người như: “The paper deals with…” (bài báo đề cập…), “The results reveal/indicated…” (các kết quả cho thấy/đã nêu ra…), “The discussion considers…” (phần thảo luận xem xét…) Mặt khác, diễn ngôn khoa học tiếng Anh cũng như tiếng Việt đều dùng ngôi gộp (inclusive-we) và ngôi trừ (exclusive-we) thay cho tác giả. Tuy nhiên điểm khác biệt là tiếng Anh chỉ có một hình thái “we” trong khi tiếng Việt có hai hình thái ‘chúng tôi” (exclusive) và “chúng ta” (inclusive). Một điểm khác biệt nữa ở tiếng Anh chỉ có “we” trong khi tiếng Việt có một hình thái xưng hô hổn đồng. Đó là từ “ta”, vừa là số ít, vừa là số nhiều, vừa là ngôi gộp, vừa là ngôi trừ.

(15). Đôi khi “ta” bắt gặp các ngữ thức xưng hô: “tác giả của bài báo này”, “người viết công trình này”.

Ở DNKH tiếng Việt, nếu các tác giả muốn tránh việc dùng ngôi thứ nhất (số ít và nhiều) vẫn có thể sử dụng những cấu trúc khuyết chủ ngữ, hoặc câu có chủ ngữ không xác định vốn rất phù hợp với đặc trưng phong cách ngắn gọn, khái quát và khách quan [4]. Tuy nhiên, cần lưu ý là ở diễn ngôn khoa học tiếng Anh, cấu trúc vô nhân xưng vẫn sử dụng khá phổ biến như câu có chủ ngữ không xác định nhưng lại vắng bóng cấu trúc khuyết chủ ngữ.

(16) . “Khi nhân hai vế của một bất phương trình với một biểu thức chữ, cần phải chú ý đến các giá trị của các chữ làm cho biểu thức đó có

thể trở thành số dương, số không hoặc số âm”. [dẫn theo Đinh Trọng Lạc & Nguyễn Thái Hòa].

Trong tất cả các điểm chung nói trên thì điểm chung nhất trong DNKH tiếng Anh và tiếng Việt là các tác giả của hai hệ thống đều ưa thích chiến lược loại bỏ yếu tố cá nhân (depersonalisation strategies) như nêu ở trên. Sở dĩ việc các tác giả ưa thích sử dụng các chiến lược vô nhân xưng (thể bị động không tác nhân, cấu trúc vô nhân xưng) thay vì ngôi thứ nhất (vốn là dạng thức xưng hô cốt lõi trong giao tiếp hàng ngày) là vì “trong các bài viết khoa học khoảng cách xã hội giữa các cá nhân phải được xem là rất lớn [10]. Nhìn chung cộng đồng phải có quyền lực hơn bất kỳ cá nhân nào trong bài viết khoa học. Như vậy một người nghiên cứu phải luôn luôn khiêm nhường trước cộng đồng nói chung”. Điều này gợi ý rằng, trong các tương tác này, việc nêu rỏ sự có mặt của tác giả trong các văn bản có thể là hành vi đe dọa thể diện (FTA) xét theo quan điểm của Brown và Levinson (1987), vì “việc đưa ra một khẳng định đe dọa khán giả khoa học phổ cập bởi vì nó đòi hỏi sự uy tín được cộng đồng công nhận. Sự khẳng định cũng đe dọa thể diện âm (negative face) của các nhà nghiên cứu khác vì nó hàm nghĩa sự hạn chế về những gì họ có thể làm hiện tại” [10] Vì vậy, thật là dể hiểu nhiều tác giả ở hai ngôn ngữ ưa thích dùng các chiến lược vô nhân xưng hơn vì nó có chức năng như phương sách lịch sự và che chắn, làm giảm thiểu hành vi đe dọa thể diện; hơn nữa, tác giả người Việt dùng tiếng Anh như ngoại ngữ thường bị chi phối bởi các giá trị văn hóa Việt trong xưng hô là “xưng khiêm, hô tôn”, đồng thời diễn tả phép lịch sự (trong xưng hô) dựa vào các chiến lược lịch sự quy định bởi các chuẩn mực xã hội: đó là “lễ phép” trong giao tiếp ở cộng đồng nói năng Phương Đông thường bị chi phối bởi lễ giáo Khổng Tử**.

8. Kết luận

Dù ở tiếng Anh có rất nhiều công trình nghiên cứu về hệ thống quy chiếu và dạng thức xưng hô trong DNKH nhưng ở tiếng Việt các nghiên cứu để đóng góp cho lĩnh vực này vẫn còn rất khiêm tốn. Vì vậy, cần có các nghiên cứu đối chiếu về dạng thức xưng hô ở hai ngôn ngữ mà có thể sẽ đặc biệt hữu ích cho sinh viên, giáo viên và các nhà khoa học Việt Nam khi muốn công bố các kết quả nghiên cứu của mình bằng tiếng Anh. Bằng cách này, họ sẽ được trang bị với các kiến thức quy ước tu từ về hệ thống quy chiếu và dạng thức xưng hô thường được cộng đồng nói tiếng Anh sử dụng trong DNKH.

Sách Tham Khảo

[1] Bell, Roger T. (1994), Translation and Translating: Theory and Practice, Longman.

[2] Brown, P & Levinson, S. (1978), Universals in Language Usage: Politeness Phenomena, Cambrige: CUP.

[3] Cecchetto, V & Stroinska, M. (1996), System of Self-reference and Address Forms in Intellectual Discourse. Truy cập ngày 23/9/2011 từ http://w.w.w.speakeasydesigns.com/SDSU/student/640/…/science.pdf

[4] Đinh Trọng Lạc & Nguyễn Thái Hòa. (2010), Phong Cách Học Tiếng Việt, NXB Giáo Dục Việt Nam.

[5] Holtz, M. (2011), Nominalisation in Scientific Discourse: A Corpus-based Study of Abstracts and Research Articles. Truy cập ngày 14/7/2011 từ ucrel.lancs.ac.uk/publications/cl2009/341_FullPaper.doc

[6] Hyland, K. (2011), Humble Servants of the Discipline? Self-mention in Research Articles. Truy cập ngày 20/8/2011 từ www2.caes.khu.hk/Kenhyland/files/2010/12/self.ESP_pdf

[7] Joshi Yateendra, (2011), Can the First Person (“I” and “We”) Be Used in Ssientific Writing. Truy cập ngày 18/7/2011 từ blog.editage.com/?q=can-the- first-person-be-used-in-scientific-writing

[8] Lưu Trọng Tuấn. (2009), Dịch Thuật Văn Bản Khoa Học, NXB Khoa Học Xã Hội.

[9] Martin-Martin, P (2011), Personal Attribution in English and Spanish Scientific Articles. Truy cập ngày 14/8/2011 từ http://www.publications.ub.es/revistes/bells12/PDF/art09.pdf

[10] Myers, G. (1989), The Pragmatics of Politeness in Scientific Articles. Applied Linguistics.10(1): 1-35.

[11] Nguyễn Thiện Giáp (2007), Dụng Học Việt Ngữ, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

[12] Nguyễn Văn Chiến. (2004), Tiến Tới Xác Lập Vốn Từ Vựng Văn Hóa Việt, NXB Khoa Học Xã Hội.

[13] Pumpyanski. (2002), Dịch Văn Bản Khoa Học và Kỹ Thuật sang Tiếng Anh. (người dịch: Đào Hồng Thu), NXB Khoa Học và Kỹ Thuật. [14] Randaccio, M. (2011), Language Change in Scientific Discourse. Truy cập ngày 10/7/2011 từ http://jcom.sissa.it/

[15] Richards & et al. (1999), Dictionary of Language Teaching & Applied Linguistics, Longman.

[16] Salom, LG & Monreal, CS. (2011), Interacting with the Reader: Politeness Strategies in Engineering Research Article Discussions. Truy cập ngày 25/8/2011 từ http://w.w.wdialnet.unirioja.es/servlet/fichero_articulo?codigo=3156527…0

[17] Svobodova & et al. (2011), Writing in English: A Practical Handbook for Scientific and Technical Writers. Truy cập ngày 12/ 7/2011 từ http://w.w.w.atom.uni-mb.si/Stud/files Writing_In _English.pdf

[18] Teitelbaum, Harry. (1989), How to Write a Thesis: A Guide to the Research Paper, Prentice Hall.

[19] Vũ Cao Đàm. (2005), Phương Pháp Luận Nghiên Cứu Khoa Học, NXB Khoa Học và Kỹ Thuật.

[20] Weissberg, Robert & Buker , Suzanne. (1990), Writing Up Research: Experimental Research Report Writing for Students of English, Prentice Hall Regents.

*Theo nhận xét của Nguyễn Hòa [11,151], có thể điều cơ bản là mô hình của Brown và Levinson được dựa trên khái niệm mang tính cá nhân về lịch sự của phương Tây, trong khi ở những xã hội dựa trên nền tảng của tư tưởng của đạo Khổng, thì cá nhân phải phục tùng tập thể. Như vậy, cách cảm nhận về lịch sự sẽ khác nhau và điều này sẽ có ý nghĩa với giao tiếp liên ngôn, và chính lịch sự lại bị chi phối bởi các giá trị văn hóa khác. Sự xung đột của các giá trị văn hóa trong giao tiếp liên ngôn là hoàn toàn có thể xảy ra.

** Scollon & Wong Scollon [dẫn theo Cecchetto & Stroinska, 3] nhận xét rằng ở một ngoại ngữ, sự tự do chọn lựa về chiến lược lịch sự là hạn hẹp. Khả năng tự diễn đạt ở tiếng mẹ đẻ có thể cho người ta một địa vị cao hơn trong mối quan hệ giao tiếp vì người ta thường tự do hơn khi sử dụng chiến lược kết đoàn ở tiếng mẹ đẻ của mình, chứ không phải ở ngoại ngữ.

Bình luận về bài viết này