Bettertogether.

PHÁT TRIỂN TỪ VỰNG Y HỌC TIẾNG ANH: PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH HÌNH THÁI TỪ VÀ TÍNH KẾT HỢP TỪ

PHÁT TRIỂN TỪ VỰNG Y HỌC TIẾNG ANH: PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH HÌNH THÁI TỪ VÀ TÍNH KẾT HỢP TỪ

MEDICAL ENGLISH VOCABULARY  DEVELOPMENT: MORPHOLOGICAL ANALYSIS AND COLLOCATION

Nguyễn Phước Vĩnh Cố

Trường Đại Học Ngoại Ngữ, Đại Học Đà Nẵng

1. Giới  thiệu

Đặc trưng quan trọng nhất của mỗi lĩnh vực khoa học (KH) và kỹ thuật (KT) là hệ thuật ngữ. Mỗi  lĩnh vực KH và KT khác nhau chủ yếu ở từ vựng của nó. Đặc điểm chính của thuật ngữ y học (TNYH) tiếng Anh  là thuật ngữ thường có  nguồn gốc từ tiếng Hy lạp/La tinh. Không lạ gì khi người ta hỏi nghĩa của những thuật ngữ như “oophoropathy”, ‘salpingitis”,… thì thường nhận được câu trả lời “It’s all Greek to me”. Chabner [2] nhận xét rằng học TNYH cũng tương tự như học một “ngôn ngữ mới” ( Studying medical terminology is very similar to learning a new language). Rickards [8] thì cho rằng bất cứ ai tình cờ gặp lần đầu  những TNYH chắc phải “hết sức lúng túng”. “Bí hiểm”, “phức tạp” là những từ thường được dùng để mô tả ngôn ngữ y học tiếng Anh. Tuy nhiên, có  nhiều từ ta dùng chúng hằng ngày mà không biết rằng các từ đó là TNYH. Các từ như “diarrhea”, “appendicitis”, “influenza”, “tuberculosis”, “pneumonia”…v.v đã trở thành ngôn ngữ hằng ngày và cũng chẵng xa lạ gì với người học tiếng Anh lắm. Bên cạnh đó lại có quá nhiều từ có vẻ  lạ và phức tạp như “ophthalmology”, “orthopedics”, “gastroenterology”, “cholecystorrhaphy”, “splanchnoscopy”, “dysmenorrhoea”…nhưng các thuật ngữ (TN) này điều có nghĩa một khi ta biết cách phân chúng thành những phần nhỏ, có nghĩa và đặc biệt cần quen thuộc với mỗi thành phần khác nhau của chúng.

2. Phân tích hình thái 

Phân tích hình thái từ (còn gọi là cấu trúc) là tiến trình chia một từ phức thành các hình vị cấu  thành (các thành phần có nghĩa của từ). Ví dụ: từ “cardiologist” gồm hai thành phần có nghĩa, gốc từ “cardi” (tim) và hậu tố -ologist (người chuyên về một lĩnh vực nghiên cứu). Vậy từ “cardiologist” là bác sỹ tim mạch.

 3. Các thành phần của một thuật ngữ y học

Để phân tích một TNYH, ta cần hiểu 3 thành phần chính để tạo thành một TNYH: tiền tố (prefixes), gốc từ (roots) và hậu tố (suffixes). Ba thành phần này được Chabner [2] mô tả một cách sinh động như sau: “TNYH  giống như trò chơi chắp hình cá nhân. Chúng được tạo thành từ những mảnh nhỏ (tiền tố, hình thái kết hợp (gốc từ + nguyên âm), và hậu tố để tạo ra một từ  duy nhất, nhưng các mảnh nhỏ đó cũng được dùng trong nhiều kết hợp khác nhau ở những từ khác”. Nhận xét này là cơ sở cho chúng tôi sử dụng phương pháp “phân tích hình thái (của từ)” như một công cụ hữu ích để hiểu các TNYH và phát triển từ vựng YH. Trước hết, chúng ta cần làm quen với các định nghĩa về các thành phần của một TNYH.

3.1 Gốc từ: là bộ phận chính/nền móng của TNYH. Các TNYH đều có một/hai gốc từ trở lên.

Các ví dụ về gốc từ TNYH: 1. Cardi– (tim) 2. Gastr– (dạ  dày) 3. Enter– (ruột non) 4. Nephr– (thận).

3.2 Nguyên âm kết hợp (combining vowel): thường là (o) và được dùng để nối gốc từ với hậu tố/gốc từ này với gốc từ khác. Khi một nguyên âm được nối với gốc từ thì việc kết hợp  này được gọi là hình thái kết hợp.

Các ví dụ về hình thái kết hợp: 1. Cardi + o = cardio 2. Gastr + o = gastro 3. Enter + o = entero 4. Nephr + o = nephro.

3.3 Hậu tố: là âm/từ thêm vào sau gốc từ làm thay đổi nghĩa của gốc từ. Các TNYH đều có một hậu tố.

Các ví dụ về hậu tố TNYH: 1. –logy (nghiên cứu) 2. –itis (viêm) 3. –pathy (bệnh) 4. –scope (ống soi).

3.4 Tiền tố: là âm/từ thêm trước gốc từ. Không phải TNYH nào cũng có tiền tố nhưng

nếu có, tiền tố có thể ảnh hưởng quan trọng đến nghĩa của gốc từ.

Các ví dụ về tiền tố TNYH: 1. peri– (quanh) 2. endo– (trong) 3. epi– (trên) 4. poly– (nhiều).

Các thành phần trên (các mảnh nhỏ) khi ghép lại với nhau và … Ta có một TNYH!

Các ví dụ về các thành phần khi được ghép lại với nhau:

Cardi + o + logy = cardiology (tim học)

Gastr + o + scope = gastroscope (ống soi dạ dày)

Enter + (o)  + itis   = enteritis (viêm ruột)

Peri + cardi + (o)  + itis = pericarditis (viêm ngoại tâm mạc)

Endo + cardi  + (o) + itis = endocarditis (viêm nội tâm mạc).

Lưu ý : việc phân tích các thành phần một TNYH nói trên là trường hợp nói về các TNYH phái sinh (thuật ngữ chỉ có một từ). Các từ phức (từ gồm nhiều từ) thường là các TNYH phái sinh nói trên kết hợp với một/nhiều từ khác để tạo thành một từ phức như: cerebral haemorrhage, intravenous urogram, pelvic ultrasonography…vv. Các TN haemorrhage (xuất huyết), urogram (hình chụp X quang niệu ), ultrasonography (phép chụp siêu âm) đi với các tính từ cerebral (thuộc não), intravenous (qua tĩnh mạch), pelvic (thuộc xương chậu).Các tính từ này được cấu thành bởi các gốc từ và các hậu tố tính từ như: -ac; -al; -ar; -ary; -ic; -ical; -ile; -ous...vv. Vài ví dụ về các từ phức trong TNYH như chronic gastroesophageal reflux (trào ngược dạ dày-thực quản mạn tính), chronic obstructive pulmonary disease (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính)…vv.

4. Y học (YH) và các chuyên khoa (CK) của nó: phân tích hình thái và tính kết hợp

4.1 Phương pháp phân tích hình thái (morphological analysis)

   YH có hai ngành chính là nội khoa và ngoại khoa và một số các CK (specialities) khác. Một điều khá thú vị là từ nội khoa (internal medicine) có nguồn gốc từ từ Latinh medicina và ngoại khoa (surgery) từ các từ Hy Lạp cheir nghĩa là bàn tay và ergon là công việc nhưng lại rất quen thuộc với người học tiếng Anh còn lại các CK khác thì rất lạ lẫm nếu không nói là không có sẵn trong kho từ vựng của chúng ta. Dù bạn là sinh viên y khoa hay là sinh viên ngoại ngữ, bạn có gặp khó khăn khi hiểu các từ sau đây không: haematology, anesthesiology, geriatrics, tocology, endocrinology…Đó là chưa nói đến khi gặp một số TNYH tiếng Việt đại loại như khoa tim mạch, khoa huyết học-ung thư, khoa ngoại lồng ngực, khoa ngoại hậu môn-trực tràng...mà bạn muốn tìm từ tương đương ở tiếng Anh. Tuy nhiên những từ như trên lại không khó lắm để nhận diện nếu ta sử dụng phương pháp phân tích hình thái. Dù YH chia ra rất nhiều CK nhưng trước hết cần phải có kiến thức để biết rằng chỉ có 4 hậu tố kết hợp với một số hình thái kết hợp. 4 hậu tố này là: 1. -logy . 2. –iatry. 3. –iatrics . 4. –ics. Trong số 4 hậu tố này, có một chuyên khoa mang hậu tố –iatry (psychiatry : tâm thần học), hai CK mang hậu tố –iatrics (pediatrics : nhi khoa, geriatrics : lão khoa), hai CK mang hậu tố –ics (obstetrics: sản khoa, orthopedics: khoa chỉnh hình) và số còn lại (chừng 20 CK) mang hậu tố -logy. Hơn nữa, phân tích từ vựng (nắm được thành phần của từ: word parts) không những chỉ cho bạn công cụ hiểu nghĩa của các TNYH trông rất phức tạp mà còn làm phong phú vốn từ vựng của bạn. Cần lưu ý tên các CK tận cùng bằng-ology thì bác sĩ CK đó tận cùng bằng –ologist. Ví dụ urology (khoa niệu) thì bác sĩ của chuyên khoa này sẽ là urologist (bác sĩ niệu khoa), radiology (X- quang) bác sĩ sẽ là radiologist (bác sĩ X-quang), còn tên CK tận cùng bằng -ics thì bác sĩ CK đó tận cùng bằng-ician. Ví dụ,  CK obstetrics (sản khoa) thì bác sĩ là obstetrician(bác sĩ sản khoa), pediatrics (nhi khoa) là pediatrician (bác sĩ nhi khoa).

4.2 Tính kết hợp từ

Theo McCarthy và O’Dell [5], tính kết hợp từ là sự kết hợp tự nhiên của các từ thường đi cùng nhau. Ví dụ, động từ do đi với homeworkmake thì đi với mistakes. Trong TNYH, ngoài một số từ phái sinh được phân tích theo hình thái từ nói trên thì các từ phức  lại liên quan đến tính kết hợp từ (collocation). Ví dụ, thuật ngữ arthritis (viêm khớp) có thể được phân tích thành: hậu tố -itis (viêm), gốc từ arthr- (khớp) và được hiểu là viêm khớp nhưng trong từ phức rheumatoid arthritis (viêm khớp dạng thấp) gồm từ arthritis kết hợp với tính từ rheumanoid.  Hai ngành chính trong YH là nội khoa và ngoại khoa dù cũng có nguồn gốc từ tiếng Latinh và Hy Lạp lại không mang 4 hậu tố nói trên. Từ nội khoa trong tiếng Anh gồm một tính từ internal và một danh từ medicine và một số chuyên khoa khác như YH cổ truyền, YH dự phòng, hạt nhân cũng mượn mô hình kết hợp như trên. Ta sẽ bắt gặp các tính từ như: traditional/conventional/orthodox/alternative ….kết hợp với medicine cho ra từ YH cổ truyền, y học hiện đại hay tây y, y học chính thống, liệu pháp thay thế … preventive/preventative với medicine, YH dự phòng, và nuclear với medicine, YH hạt nhân. Trái lại từ ngoại khoa chỉ có một từ surgery thay cho từ tiếng Anh cổ chirurgery nhưng khi nói các chuyên khoa khác liên quan đến giải phẫu như ngoại lồng ngực, thì chúng cũng mượn mô hình kết hợp nói trên. Ta có thoracic kết hợp với surgery thành thoracic surgery (ngoại lồng ngực). Các tính từ thường kết hợp với surgerycosmetic/plastic, orthopedic, neurological, keyhole.

5. Sự điều trị/chữa bệnh trong YH: phương pháp phân tích hình thái và tính kết hợp

   Thuật ngữ therapy (điều trị) vốn bắt nguồn từ tiếng Hy lạp là therapeuein có nghĩa là chữa khỏi bệnh. Trong TNYH, nó đóng vai trò hậu tố trong nhiều từ như physiotherapy (lý liệu pháp), hydrotherapy (thủy liệu pháp), chemotherapy (hóa liệu pháp/phép trị bệnh bằng thuốc), radiotherapy (xạ trị), electrotherapy (điện liệu pháp), psychotherapy (liệu pháp tâm lý) nhưng ở các từ sau, nó xuất hiện như một danh từ kết hợp với một số từ khác như occupational therapy (phép chữa bằng lao động), speech therapy (liệu pháp những tật về nói), group therapy (liệu pháp nhóm), cognitive-behaviour therapy (liệu pháp hành vi-nhận thức).

6. Sự khám bệnh và chẩn đoán (bằng công cụ): hậu tố -scopy (khám nghiệm, soi), -scope (dụng cụ dùng để soi) và -gram (bản ghi, hình ảnh), -graph (dụng cụ dùng để ghi), -graphy (phép ghi, kỹ thuật dùng để ghi)

Bạn có bao giờ nghe/bắt gặp từ endoscopy (nội soi: chỉ một phương thức khám/xem xét các bộ phận cơ thể mà không thể thấy được từ bên ngoài) và dụng cụ dùng để quan sát bên trong của cơ thể là endoscope (đèn/thiết bị nội soi). Tùy theo việc khám/xem xét bộ phận cơ thể nào, mà ta có hậu tố -scopy/-scope kết hợp với gốc từ bộ phận cơ thể đó. Ví dụ, auriscopy/auriscope (soi tai/cái soi tai), gastroscopy/gastroscope (soi dạ dày/cái soi dạ dày), bronchoscopy/bronchoscope (soi phế quản/cái soi phế quản), laryngoscopy/ laryngoscope (soi thanh quản/cái soi thanh quản) tracheoscopy/tracheoscope (soi khí quản/cái soi khí quản)… Một từ viết tắt ta thường gặp trong bệnh án của bệnh nhân tim là ECG (điện tâm đồ). Những con chữ  này viết tắt từ TN electrocardiogram, gồm 2 gốc từ: electro– (điện) và cardio– (tim) và hậu tố -gram (bản ghi/hình ảnh). Ta sẽ bắt gặp các TN như thế trong nhiều văn bản như electroencephalogram (EEG): điện não đồ. Thiết bị ghi những hoạt động này gọi là electroencephalograph (điện não ký) và electroencephalography là phép ghi điện não

7. Hệ hô hấp (respiratory system): các gốc từ hệ hô hấp và hậu tố chỉ bệnh -itis (viêm)

Hệ hô hấp có 7 gốc từ: 1. aden- (sùi vòm họng) 2. bronch- (phế quản) 3. laryng- (thanh quản) 4. trache- (khí quản) 5. pneum-/pneumon- (phổi: gốc từ Hy Lạp) 6. pulmo- (phổi: gốc từ Latinh) 7. rhin- (mũi). Các gốc từ này khi được thêm vào hậu tố -itis sẽ cho ta một số từ chỉ bệnh như : 1. adenoiditis (viêm V.A) 2. bronchitis (viêm phế quản) 3. laryngitis (thanh quản) 4. tracheitis (viêm khí quản) 5. pneumonitis (viêm thành phế nan) 6. pulmonitis (viêm phổi) 7. rhinitis (viêm mũi).

8. Hệ tiêu hóa (digestive system): các gốc từ hệ tiêu hóa và một số hậu tố (-gram, -graph, -graphy, -scopy/-scope, và -itis) được dùng để gắn  vào các gốc từ hệ tiêu hóa để chỉ sự khám bệnh, chẩn đoán và tên bệnh trong hệ tiêu hóa.

  Hệ tiêu hóa có 9 gốc từ: 1. cholecyst– (túi mật) 2. pharyng- (hầu, họng) 3. enter– (ruột non) 4. splanchn- (nội tạng) 5. hepat– (gan) 6. col(on)- (kết tràng) 7. gastr- (dạ dày) 8. ile- (hồi tràng) 9. proct– [Hy lạp]/ano– [Latinh]: (hậu môn).

Sau đây là một số từ tiêu biểu liên quan đến  sự khám bệnh, chẩn đoán và tên bệnh trong hệ tiêu hóa. 1. cholecystogram (hình chụp X quang túi mật) – cholecystography (phép chụp X quang túi mật) – cholecystitis (viêm túi mật) 2. pharyngography (phép chụp X quang họng) – pharyngoscopy (khám họng) – pharyngoscope (đèn khám họng) – pharyngitis (viêm họng) 3. enterogram (biểu đồ nhu động ruột non) – enterography (phép chụp ảnh nhu động ruột non) – enteroscope (thiết bị nội soi ruột) – enteritis (viêm ruột non) 4. splanchnography (sự mô tả nội tạng) – splanchnoscopy (sự soi nội tạng) 5. hepatogram (mạch gan đồ) –  hepatography (phép chụp X quang gan) – hepatoscopy (soi gan) – hepatitis (viêm gan) 6. colonoscopy (soi ruột kết) – colonoscope (dụng cụ soi ruột kết) – colonitis (viêm ruột kết) 7. gastroscopy (soi dạ dày) – gastroscope (dụng cụ nội soi dạ dày) – gastritis (viêm dạ dày) 8. ileitis (viêm hồi tràng) 9. proctoscopy (nội soi hậu môn, trực tràng) – proctoscope (banh nội soi trực tràng).

9. Các hậu tố được dùng để xây dựng các TNYH chỉ bệnh, rối loạn và triệu chứng.

Một số TNYH chỉ bệnh, rối loạn, và triệu chứng được xây dựng bằng cách gắn hậu tố vào gốc từ. Các hậu tố quan trọng nhất là: 1. -itis (viêm). Ví dụ: arthritis (viêm khớp) 2.-asis,-esis,-iasis,-osis (bệnh/triệu chứng). Ví dụ: arthrosis (bệnh khớp). Các hậu tố khác thường gặp là: 1. -agra (mắc, bị, nhiễm). Ví dụ: ophthalmagra (chứng đau mắt đột ngột) 2. -alg(ia),-odyn(ia) (đau, sự khó ở). Ví dụ: arthrialgia (đau khớp), odontodynia (đau răng). 3. -oma (sưng, phồng/u, bướu). Ví dụ: odontoma (u răng). 4. -pathy (bệnh). Ví dụ: gastropathy (bệnh dạ dày). 5. phobia (sợ). Ví dụ: hemophobia (chứng sợ máu). 6. –plegia/-plexy. (đột quỵ/liệt). Ví dụ: cephaloplegia (liệt cơ đầu mặt). 7. -rrhoea (chảy, tiết dịch). Ví dụ: rhinorrhoea (chảy mũi nước). 8. -rrhagia: (chảy máu, xuất huyết)). Ví dụ: encephalorrhagia (xuất huyết não).

10. Các hậu tố được dùng để xây dựng các TNYH chỉ các phương thức phẫu thuật

10.1 Các hậu tố chỉ phương thức phẫu thuật thông thường.

Các hậu tố phổ biến nhất là: 1. -tomy (rạch, mở, cắt). 2. -ectomy (cắt bỏ, lấy đi). 3. –stomy (mở thông, dẫn lưu). 4. -pexy (cố định). 5. -rrhaphy (khâu)   . Những hậu tố này có thể thêm vào bất kỳ gốc từ chỉ bộ phận cơ thể nào mà trên đó các phương thức phẫu thuật được thực hiện. Ví dụ, lấy 2 gốc từ thuộc hệ tiêu hóa là “col(on) (ruột kết) và “cholecyst-” (túi mật) khi thêm vào 5 hậu tố chỉ các phương thức phẫu thuật nói trên, ta sẽ có các TNYH chỉ phương thức phẫu thuật “ruột kết” và “túi mật” theo thứ tự của các hậu tố nói trên: 1. colotomy (rạch mở ruột kết qua thành bụng)/cholecystotomy (thủ thuật (t/t) rạch túi mật qua đường mở thành bụng). 2. colectomy  ((t/t) cắt bỏ ruột kết)/cholecystectomy ((t/t) cắt bỏ túi mật). 3. colostomy (mở thông ruột kết)/cholecystostomy (mở thông túi mật). 4. colopexy ((t/t) cố định ruột kết)/cholecystopexy ((t/t) cố định túi mật). 5. colorrhaphy (khâu ruột kết)/cholecystorrhaphy ((t/t) khâu túi mật).

11. Các tiền tố (prefixes) được dùng để xây dựng các TNYH chỉ bệnh, rối loạn, và triệu chứng.

Một số bệnh, rối loạn và triệu chứng được đặt tên bằng cách dùng các gốc từ và tiền tố. Các tiền tố thường được sắp xếp theo các chủ điểm như: a. số lượng b. con số c. kích thước và hình dạng d. màu sắc e. các chất…vv. Các tiền tố chỉ số lượng và một số tiền tố khác  như: a. poly- (nhiều), ví dụ: polyuria (chứng đái nhiều), b. olig- (ít, thiếu), ví dụ: oliguria (chứng đái ít), c. a-/an- (không có, thiếu, mất), ví dụ: anuria (vô niệu), d. pu- (mủ), ví dụ: pyuria (chứng đái mủ), e. melan- (đen), ví dụ: melanuria (nước tiểu đen)…. Sau đây là một số tiền tố được dùng để xây dựng TNYH chỉ bệnh, triệu chứng…vv.  Dys-/mal– (xấu, bất thường), pseud- (giả), atel- (bất toàn), py- (mủ), tox- (chất độc), eu- (tốt), normol- (thường)…vv.

12. Kết luận

Việc phát triển từ vựng YH bằng phương pháp phân tích hình thái từ (phân tích từ thành gốc từ và các thành phần như tiền tố, hậu tố) và tính kết hợp từ (một/nhiều tính từ/danh từ +danh từ) thật sự quan trọng và có ý nghĩa trong việc thụ đắc ngôn ngữ và sử dụng thuật ngữ YH; hơn nữa, việc nắm vững TNYH là một phần cơ bản nhưng rất quan trọng là vì nó sẽ khiến cho từ vựng rõ nghĩa hơn (về mặt ngữ nghĩa) đối với người sử dụng ngôn ngữ vốn phải nắm bắt các tiến bộ mới nhất của YH trong các tài liệu, sách báo, bài báo viết bằng tiếng Anh nhằm phục vụ hiệu quả nghề nghiệp người của mình.

 Tài liệu tham khảo

1.     Bellomo, T (2009), Morphological Analysis and Vocabulary Development: Critical Criteria

2.   Chabner, D (1996), The Language of Medicine, New York, W.B Saunders Company.                                                                                                                                                                3.   Fishe, J & Hutzell N, (1999),  Thuật ngữ Y học căn bản, (BS Đặng Tuấn Anh dịch) NXB Y Học.

4. Glendinning, E.H & Howard, R (2009), Professional English in Use – Medicine, NXB Đồng nai.

5..McCarthy, M & O’Dell, F, (2008), English Collocations in Use, NXB Đồng Nai.

6. Phạm Ngọc Trí (2004), Từ điển Y Học Anh-Việt, NXB Y học.

7.  PohL, A (2009), Test your Professional English Medical, NXB Đồng Nai.

8. Rickards, R (2005), Understanding Medical Terms (Trần Văn Tiềm biên dịch), NXB   Tổng Hợp t.p Hồ Chí Minh.

9. Oxford  Collocations Dictionary (2005), Oxford University Press.

2 bình luận »

  1. Em co de comment trong dien dan nhung chua thay hoi am cua bac, neu ranh roi xin bac giai dap thac mac dum em. Cam on bac truoc: http://www.diendanykhoa.com/showthread.php?t=11775

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: