Bettertogether.

BÉ CÁI LẦM TRONG DỊCH THUẬT CHUYÊN NGÀNH VÀ THÀNH NGỮ

BÉ CÁI LẦM TRONG DỊCH THUẬT CHUYÊN NGÀNH VÀ THÀNH NGỮ

n.p.v.c

Cách đây một năm (2018), tôi và anh Kim Thanh Do, phó trưởng khoa tiếng Pháp đồng thời là chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh trường Đại học Ngoại ngữ Đà nẵng khi đang ngồi thưởng thức món lẫu bò ở một quán nhậu bình dân trên đường Duy Tân, Đà nẵng thì anh đề cập một từ ở tiếng Anh ‘taxiway’ mà anh cho rằng người ta thường dịch nhầm là ‘đường dành cho taxi’, vốn là một thuật ngữ ‘hàng không’.

Hơn mười năm trước, lỗi này cũng đã được một độc giả nói đến trong một bản tin trên báo Thanh Niên: ‘Tôi là một độc giả thường xuyên của Báo Thanh Niên. Thỉnh thoảng cũng thấy một vài sơ sót nhỏ trên báo, nhưng nghĩ cho cùng đó là những nhầm lẫn kỹ thuật trong in ấn, có thể thông cảm được.  Nhưng thật tình tôi đã thấy có chút gì đó không ổn, khi đọc một đoạn tin ngắn, được đăng trên trang 24 của Báo Thanh Niên, số phát hành ngày chủ nhật 7/1/2007. Tin Máy bay đáp nhầm đường dành cho taxi! đã được trích dẫn từ bản tin Korean Air Jet mistakenly lands on taxiway at Akita Airport của Hãng Thông tấn Kyodonews (Cộng đồng Thông tín xã) Nhật Bản. Theo cách hiểu của tôi, từ taxiway (trong tiếng Anh) về mặt hàng không chỉ là một ‘đường băng’ phụ trong phi trường, để các loại máy bay lăn bánh (taxi) sau khi đáp xuống ‘đường băng chính’ (runway) để di chuyển tới bãi đậu hoặc nhà ga, hay ngược lại, từ bãi đậu tới ‘đường băng chính” trước khi cất cánh. Dĩ nhiên từ taxi ở đây không liên quan gì tới xe taxi mà ta vẫn thường thấy trong các thành phố hằng ngày.

ẢNH HƯỞNG CỦA NGÔN NGỮ GỐC VÀ DỊCH THUẬT

Theo Alan Duff, trong một bài viết có tựa đề ‘Principles of Translation’ thì một trong những nguyên tắc liên quan đến dịch thuật là ‘ảnh hưởng của ngôn ngữ gốc’ (source language influence), cái mà bản dịch bị ‘ném đá’ nhiều nhất là ‘không có vẻ tự nhiên’ (it doesn’t look natural) vốn do cái ý nghĩ và việc chọn từ của người dịch bị ảnh hưởng quá nhiều bởi văn bản gốc.

ON THE DOTTED LINES: TRÊN DÒNG KẺ BẰNG NHỮNG DẤU CHẤM

Một trong những ví dụ điển hình nhất về ‘lỗi của nguyên tắc này’ cũng xảy ra khá lâu nhưng lại thuộc về một dịch giả nổi tiếng, Dương Tường khi ông dịch một câu ở trang đầu tiên của tác phẩm ‘Lolita’ của nhà văn Vladimir Nabokov là ‘She was Dolores on the dotted lines’ thành ‘Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores’ mà về sau cộng đồng mạng gọi là ‘thảm họa dịch thuật’. Cũng cần nói rỏ hơn là lỗi anh Kim Thanh Do đề cập thuộc về lỗi người dịch không nắm được các thuật ngữ chuyên môn (register: ngữ vực) trong dịch và lỗi thứ hai của Dương Tường lại liên quan đến dịch thành ngữ (idioms) vốn là những ‘thách thức’ cho người dịch mà Alan Duff có nêu trong ‘Translation’.

Ở lỗi về ngữ vực nói nôm na là ‘thuật ngữ về một lĩnh vực’ nào đó, ta dễ dàng bắt gặp ở các từ điển, các loại sách dịch thuật, phim ảnh, các trang mạng v,v.

SMEARforSMEAR LÀ GÌ”

Năm 2015, đọc báo Tuổi Trẻ số 31 ra ngày 31-1-2015 đăng một bài viết: “Thách thức “Bôi bẩn son môi” chống ung thư cổ tử cung”, tiếp theo sau chiến dịch Ice Bucket Challenge (Đổ Xô nước lạnh lên người) năm ngoái. Điều đáng bàn là cụm từ SmearforSmear được xem như từ khóa và khẩu hiệu của chiến dịch đã được người dịch hiểu theo nghĩa của từ chứ không phải theo nghĩa “ngữ vực”, thuật ngữ mang ý nghĩa chuyên ngành. Khẩu hiệu này là lối chơi chữ bằng cách dùng 2 từ cùng âm nhưng khác nghĩa (hynonyms). Khẩu hiệu “SmearforSmear” được tác giả tạm dịch là “Bôi bẩn son môi, và theo tác giả từ  ‘smear’ trong tiếng Anh có nghĩa là ‘làm bẩn’ (đồng ý với tác giả) nhưng vừa có nghĩa tuyên truyền và giáo dục (?). Theo thiển ý của tôi, từ ‘smear’ thứ 2 trong khẩu hiệu trên là một thuật ngữ y học là cách nói/viết ngắn gọn của cụm từ ‘cervical smear’ (Anh) hoặc ‘Pap smear’ (Mỹ) có nghĩa là ‘kính phết cổ tử cung’ (một test về y học mà người ta lấy một ít chất nhầy ở tử cung để xem có tế bào ung thư không) Vậy, ‘SmearforSmear’ mà dịch theo tiêu đề của bài báo thì tạm ổn hơn là ‘Bôi bẩn son môi’. Nhân thể cũng nói thêm, ở một trang Web ‘Bác sĩ nội trú’ có một ‘công trình thuật ngữ Anh-Việt chuyên ngành Hồi sức Cấp cứu’ của một nhóm sinh viên y khoa nay đã là bác sĩ mà có những sai sót như ‘hemothorax’  được dịch là ‘tràn khí màng phổi’ thay vì ‘tràn máu màng phổi’, ‘ultrasonography’ được ghi là ‘ultrasonophaphy’ (?) được dịch là ‘siêu âm học’ thay vì ‘kỹ thuật/phép/chụp siêu âm’ , ‘daily protein intake’ (ăn protein hằng ngày) thay vì ‘khẩu phần protein’/ ‘lượng protein đưa vào hàng ngày’… Điều đáng trách nhất là sự lầm lẫn nghĩa của một thuật ngữ pháp lý trong cuốn từ điển Anh-Việt của Viện Ngôn Ngữ Học nằm trong câu tiếng Anh thay vì dịch là ‘Tòa án quyết định bồi thường ông ta 5 000 pao về thiệt hại/số tiền thiệt hại là 5 000 pao’ thì từ điển này dịch: ‘Tòa án quyết định phạt anh ta 5 000 pao về các thiệt hại. Đem câu tiếng Anh bỏ vào Google dịch cho ra một kết quả không tồi: “Tòa án trao tặng ông thiệt hại 5. 000.

LÝ THUYẾT DỊCH THUẬT CHUYÊN NGÀNH

Trước hết, sẽ cần trả lời câu hỏi: Có hay không một Lý thuyết dịch cho tiếng Anh chuyên ngành? Newmark có một tuyên ngôn hùng hồn để trả lời câu hỏi trên: ‘No problem, no theory of translation!’ trong cuốn sách ‘A Textbook of Translation’. Morry Sofer trong cuốn sách của mình ‘The Translator’s Handbook’ lại khuyên: ‘For a successful translation career, the knowledge of two or more languages is not enough. One should also pursue a major technical area, such as law, medicine, business, etc,’

Vấn đề dịch văn bản pháp lý tiếng Anh mà người dịch gặp phải sẽ muôn hình vạn trạng, một trong những thách thức này sẽ là từ La tinh. Nếu người dịch gặp phải một trong những từ gốc La tinh này ‘ad hoc’, ‘affidavit’, ‘bona fide’, ‘de facto’, ‘de jure’ v,v. thì ắt hẳn gặp phải vấn đề trong dịch đó là chưa nói tới 75% hệ thuật ngữ y học tiếng Anh là thuộc hai ngôn ngữ La tinh & Hy lạp.

CỤM TỪ ‘IN CAMERA’: (MỘT VỤ ÁN) ĐƯỢC XỬ KÍN HAY QUAY CAMERA?

Vì vậy cũng chẳng lấy làm lạ trong cuốn sách dạy tiếng Anh pháp lý: ‘Giao Tiếp Tiếng Anh trong Ngành Luật ‘của tác giả Thanh Hà, NXB Hồng Đức năm 2010 có khá nhiều câu nhưng xin chỉ trích một câu cơ bản trong đó có cụm từ La tinh ‘in camera’ dù có nghĩa là “(một vụ án) được xử kín, không công khai” nhưng lại được dịch khá sát là ‘được quay camera’ (?). Câu ‘The hearings were held in camera’ dịch là (Các phiên tòa đều được quay camera) thay vì ‘các phiên tòa đã được xử kín’. Cũng không trách được các dịch giả vì cho đến nay nhiều thầy cô dạy dịch vẫn cho rằng ‘tiếng Anh chuyên ngành có gì mà dịch (?)’ nên Alan Duff, tác giả cuốn sách thực hành dịch nổi tiếng ‘Translation’ khuyên ta: ‘Ngữ vực (thuật ngữ chuyên ngành) mang lại màu sắc cho ngôn ngữ. Phớt lờ ngữ vực trong dịch là dịch từ chứ không phải dịch nghĩa’ (Register gives colour to language. To ignore it in translation is to translate the words rather than the meaning). Nhân tiện cũng nói thêm cụm từ ‘on camera’ mới là ‘quay phim’ như trong câu: ‘Are you prepared to tell your story on camera?’ trong khi câu ‘vụ xử đã được xử kín’ phải là ‘the trial was held in camera’.

Xin kết thúc phần dịch ‘thuật ngữ chuyên ngành’ bằng một nhận xét thấu đáo của Duff : ‘Phớt lờ ngữ vực trong dịch là dịch từ chứ không dịch nghĩa.’. Đó là lí do tại sao ta có ‘đường dành cho taxi’, ‘(các phiên tòa đều) được quay camera’… và còn gì nữa không?

Categorised in: dịch thuật, dịch thuật chuyên ngành

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: