TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH (Y HỌC, PHÁP LÝ) & DỊCH THUẬT
Nguyễn Phước Vĩnh Cố
Cách đây khá lâu, đọc báo Tuổi Trẻ số 31 ra ngày 31-1-2015 đăng một bài viết: “Thách thức “Bôi bẩn son môi” chống ung thư cổ tử cung”, tiếp theo sau chiến dịch Ice Bucket Challenge (Đổ Xô nước lạnh lên người) năm ngoái. Điều đáng bàn là cụm từ SmearforSmear được xem như từ khóa và khẩu hiệu của chiến dịch đã được người dịch hiểu theo nghĩa của từ chứ không phải theo nghĩa “ngữ vực”, thuật ngữ mang ý nghĩa chuyên ngành. Khẩu hiệu này là lối chơi chữ bằng cách dùng 2 từ cùng âm nhưng khác nghĩa (hynonyms). Khẩu hiệu “SmearforSmear” được tác giả tạm dịch là “Bôi bẩn son môi, và theo tác giả “từ “smear” trong tiếng Anh có nghĩa là “làm bẩn” (đồng ý với tác giả) nhưng vừa có nghĩa tuyên truyền và giáo dục (?). Theo thiển ý của tôi, từ “smear” thứ 2 trong khẩu hiệu trên là một thuật ngữ y học là cách nói/viết ngắn gọn của cụm từ “cervical smear” (Anh) hoặc “Pap smear” (Mỹ) có nghĩa là “kính phết cổ tử cung” (một test về y học mà người ta lấy một ít chất nhầy ở tử cung để xem có tế bào ung thư không) Vậy, ‘SmearforSmear” mà dịch theo tiêu đề của bài báo thì tạm ổn hơn là “Bôi bẩn son môi”. Nhân thể cũng nói thêm, ở một trang Web “Bác sĩ nội trú” có một “công trình thuật ngữ Anh-Việt chuyên ngành Hồi sức Cấp cứu” của một nhóm sinh viên y khoa nay đã là bác sĩ mà có những sai sót như “hemothorax” được dịch là “tràn khí màng phổi” thay vì “tràn máu màng phổi”, “ultrasonography” được ghi là “ultrasonophaphy” (?) được dịch là “siêu âm học” thay vì “kỹ thuật/phép/chụp siêu âm”, “daily protein intake” (ăn protein hằng ngày) thay vì “khẩu phần protein”/ “lượng protein đưa vào” hàng ngày… Điều đáng trách nhất là sự lầm lẫn nghĩa của một thuật ngữ pháp lý trong cuốn từ điển Anh-Việt của Viện Ngôn Ngữ Học nằm trong câu tiếng Anh thay vì dịch là “Tòa án quyết định bồi thường ông ta 5 000 pao về thiệt hại/số tiền thiệt hại là 5 000 pao” thì từ điển này dịch: “Tòa án quyết định phạt anh ta 5 000 pao về các thiệt hại. Đem câu tiếng Anh bỏ vào Google dịch cho ra một kết quả không tồi: “Tòa án trao tặng ông thiệt hại 5 000.
TIẾNG ANH PHÁP LÝ & LÝ THUYẾT DỊCH THUẬT CHUYÊN NGÀNH
Trước hết, sẽ cần trả lời câu hỏi: Có hay không một Lý thuyết dịch cho tiếng Anh chuyên ngành? Newmark có một tuyên ngôn hùng hồn để trả lời câu hỏi trên: “No problem, no theory of translation!” trong cuốn sách “A Textbook of Translation”. Morry Sofer trong cuốn sách của mình “The Translator’s Handbook” lại khuyên: “For a successful translation career, the knowledge of two or more languages is not enough. One should also pursue a major technical area, such as law, medicine, business, etc,
Vấn đề dịch văn bản pháp lý tiếng Anh mà người dịch gặp phải sẽ muôn hình vạn trạng, một trong những thách thức này sẽ là từ La tinh. Nếu người dịch gặp phải một trong những từ gốc La tinh này “ad hoc”, “affidavit”, “bona fide”, “de facto”, “de jure” v,v. thì ắt hẳn gặp phải vấn đề trong dịch đó là chưa nói tới 95% hệ thuật ngữ y học tiếng Anh là thuộc hai ngôn ngữ La tinh & Hy lạp. Vì vậy cũng chẳng lấy làm lạ trong cuốn sách dạy tiếng Anh pháp lý: “Giao Tiếp Tiếng Anh trong Ngành Luật của tác giả Thanh Hà, NXB Hồng Đức năm 2010 có một câu (khá nhiều câu) nhưng xin chỉ trích một câu cơ bản trong đó có cụm từ La tinh “in camera” dù có nghĩa là “(một vụ án) được xử kín, không công khai” nhưng lại được dịch khá sát là “được quay camera” (?). Câu “The hearings were held in camera” dịch là (Các phiên tòa đều được quay camera) thay vì “các phiên tòa đã được xử kín”. Cũng không trách được dịch giả vì cho đến nay nhiều chuyên gia dạy dịch vẫn cho rằng “tiếng Anh chuyên ngành có gì mà dịch (?)” nên Alan Duff, tác giả cuốn sách thực hành dịch nổi tiếng “Translation” khuyên ta: “Ngữ vực (thuật ngữ chuyên ngành) mang lại màu sắc cho ngôn ngữ. Phớt lờ ngữ vực trong dịch là dịch từ chứ không phải dịch nghĩa” (Register gives colour to language. To ignore it in translation is to translate the words rather than the meaning). Nhân tiện cũng nói thêm cụm từ “on camera” mới là “quay phim” như trong câu: “Are you prepared to tell your story on camera?” trong khi câu “vụ xử đã được xử kín” phải là “the trial was held in camera”.
Trả lời