Nguyễn Phước Vĩnh Cố
& nhóm cộng sự
Đại học Đà nẵng
Tóm tắt
Không cường điệu khi nói rằng Internet, một trong những phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 20 đã có ảnh hưởng to lớn đến đời sống hằng ngày của chúng ta. Internet đã và đang đóng một vai trò có giá trị trong việc cung cấp cho chúng ta những thông tin từ cổ cho tới kim. Mục đích của bài báo là mô tả ảnh hưởng của Internet đối với người dịch chuyên ngành và nguồn thông tin trực tuyến phong phú mà Internet mang lại cho người học tiếng Anh chuyên ngành. Bài báo nêu bật vai trò của internet như là nguồn tư liệu phong phú nhằm hỗ trợ cho người dịch chuyên ngành giải quyết các thách thức, ngôn ngữ cũng như văn hóa. Bài báo cũng cung cấp cho người dịch chuyên ngành cách dùng từ khóa để tìm kiếm thông tin (từ, ngữ…) thuộc một số lĩnh vực chuyên ngành. Ở kỷ nguyên kỹ thuật số, chỉ có người dịch chuyên ngành liều lĩnh mới dám phớt lờ việc dùng Internet trong dịch thuật.
Từ khóa: Dịch dựa vào Internet; dịch chuyên ngành; từ khóa; nguồn tư liệu trực tuyến; Wikipedia.
Abstract
It is no exaggeration to say that the Internet, one of the greatest inventions of the 20th century has made a tremendous impact on our daily life. The Internet has been playing an invaluable role in providing us with information from ancient times to the present day. The purpose of the paper is to describe the impact of the Internet on specialised translators and a wealth of online resources which it brings to learners of specialised English. The paper highlights the role of the Internet as a rich source of information in helping the translator solve the linguistic and cultural challenges. The paper also provides specialised translators with the use of “keywords” to look for information (words, phrases) in a number of specialised fields. In the digitalised era, the specialised translator ignores the use of the Internet in translation at his peril.
Keywords: Internet-based translation; specialised translation; keywords; online resources; Wikipedia.
- Lời nói đầu
Rõ ràng rằng Internet, một trong những phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 20 đã có ảnh hưởng to lớn đối với đời sống hằng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, đối với người dịch nói chung và người dịch chuyên ngành nói riêng, Internet là nguồn thông tin phong phú và đóng một vai trò rất có giá trị trong việc cung cấp cho họ các công cụ tìm kiếm kiến thức cũng như hệ thuật ngữ “chuyên ngành” mà họ khó lòng tìm thấy trong các từ điển phổ thông và ngay cả từ điển chuyên ngành Anh-Anh, Anh-Việt và Việt-Anh. Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít nghiên cứu về việc sử dụng Internet làm nguồn thông tin cho dịch thuật nói chung và dịch chuyên ngành nói riêng. Vì vậy, bài báo đề xuất sử dụng Internet như nguồn thông tin để hỗ trợ cho người dịch nói chung và người dịch chuyên ngành nói riêng.
- Internet và người dịch
Lĩnh vực dịch thuật ngày nay ngày càng được kết nối với hệ thống máy tính, đồng thời chứng kiến một loạt địa chỉ trang mạng liên quan đến hoạt động chuyên môn như ‘tìm việc’, ‘sản phẩm thương mại’, ‘các bài báo về chuyên ngành’, ‘các tài liệu tham khảo trực tuyến cho người dịch’. Đánh giá vai trò quan trọng của Internet với dịch thuật Timothy R. Hunt nhấn mạnh: ‘Máy tính sẽ không bao giờ thay thế người dịch nhưng người dịch sử dụng Internet sẽ thay thế người dịch không dùng chúng’.
- Từ Google đầy quyền năng
Một trong những động từ mới nhất trong tiếng Anh là “to Google”. To Google có nghĩa là “tra/tìm kiếm cái gì, ai đó trên Internet”. Gõ lên Google tên một ai đó ví dụ như ‘Lý Tiểu Long’ là ngay tức khắc ta biết tất cả (vâng, gần như vậy) ở đó về Lý Tiểu Long’. Ngày nay, khi ta muốn biết một điều gì đó thì câu trả lời là: ‘Hãy hỏi Ngài Google!’.
- Wikipedia
Wikipedia hay còn gọi là Bách khoa toàn thư mở có thể xem là nguồn kiến thức phổ thông mà mà người dịch chuyên ngành có được trên Internet vì cho đến nay chưa có một website nào khác có thể cung cấp một nguồn kiến thức đáng tin cậy như vậy trên Internet. Nếu xét từ góc độ dịch thuật chuyên ngành, ngoài tên gọi Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), nó còn đóng vai trò là cuốn “Đại từ điển” về thuật ngữ các chuyên ngành cho người dịch.
- Internet và vấn đề dịch thuật
Với nguồn tư liệu khổng lồ, nội dung thường xuyên cập nhật và mở rộng, nhiều loại văn bản, lĩnh vực, chủ đề, gần như miễn phí và luôn có sẵn, vì vậy, không lạ gì người ta gọi Google là một từ đầy quyền năng và tiếng Anh đóng một vai trò chủ đạo trên Internet.
- 1 Cây gạo đại thụ trồng năm 1284 (Giáp Thân) và Google Translate.
Vào năm 2011, một lỗi sai không đáng có nhưng vẫn xảy ra khi một tấm bia đá chú thích cây gạo đại thụ 700 tuổi bằng tiếng Anh ở khu vực đền Mõ thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phú, huyện Kiến Thụy ở Hải Phòng. Cụ thể, cụm từ “cây gạo đại thụ” được dịch khá sát nghĩa là “plant rice university acceptance” (!) và năm Giáp Thân được dịch thành “body armor”. Cộng đồng mạng xem đây là lỗi của “Google Translate” nhưng rất ít người đề xuất một phương pháp1, một phương thức để dịch chú thích trên tấm bia gạo nói trên. Một câu hỏi có thể đặt ra: “Liệu người dịch có thể tìm nguồn tư liệu trên Internet để hỗ trợ việc dịch chú thích nói trên?
5.2 Speedom sport hay SpeedDome?
Một sai sót trên phông của lễ ký kết giữa Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch với đối tác Hàn Quốc ngày 11.3. 14, từ Speedom sport thay vì phải viết SpeedDome (?) (đua xe lòng chảo (?)). Rõ ràng sai sót nói trên là “có vấn đề trong dịch thuật”, liệu người dịch có thể dùng nguồn tư liệu trên Internet như một giải pháp “dịch” cho vấn đề nói trên.
- Nguồn tư liệu trên Internet
Theo Bi & Yang [4], nguồn tư liệu trên internet là nguồn tư liệu kỹ thuật số dưới dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh, video v,v. được gửi trong các vật mang không phải là giấy như đĩa CD dưới dạng dữ liệu điện tử và có thể truy cập vào các website hoặc trang web.
- Lý thuyết dịch
Theo Newmark [2], việc đầu tiên của lý thuyết dịch là phải nhận diện và làm rõ một vấn đề dịch (không có vấn đề – không có lý thuyết dịch!); kế đến, phải chỉ ra được các nhân tố cần phải được xem xét để giải quyết vấn đề đó; thứ ba, là liệt kê các phương thức dịch có thể; cuối cùng, giới thiệu một phương thức phù hợp nhất cộng bản dịch đúng.
- Một số cách cơ bản để sử dụng các tư liệu trên Internet làm nguồn thông tin hỗ trợ việc dịch “Cây gạo đại thụ trồng năm 1284 (Giáp Thân) và SpeedDome (đua xe lòng chảo (?) bằng cách tìm kiếm trên Google
8.1 Internet và vấn đề dịch “Cây gạo”
Để tìm thuật ngữ tiếng Anh của cây gạo, ta có thể gõ trên Google cụm từ “tên tiếng Anh của từ cây gạo”, thế rồi sẽ có một trong những kết quả “tên tiếng Anh của cây gạo là… “Red silk cotton tree”.Tương tự, muốn tìm danh pháp khoa học của nó, có thể gõ “tên khoa học của cây gạo là … /cây gạo có tên khoa học là … ” thì ta có thể nhận kết quả “cây gạo hoa đỏ có tên khoa học là “Bombax ceiba”. Cũng có thể gõ thuật ngữ tìm kiếm “cây gạo + Wikipedia”, sau đó nhấp chuột ở mục “English/simple English” ở phần “ngôn ngữ khác, trang này sẽ cho nhiều từ chỉ cây gạo bằng tiếng Anh như ‘Bombax ceiba’, ‘cotton tree’, ‘red silk cotton’, ‘red cotton tree’, hay ‘kapok’. Từ nguồn tư liệu trực tuyến trên, “Cây gạo đại thụ trồng năm 1284” sẽ được dịch là “Great and old Red silk cotton tree (Bombax ceiba) planted in 1284”.
8.2 Internet và vấn đề dịch năm “Giáp Thân”
Trong cụm từ năm “Giáp Thân”, Giáp là “can”, Thân là “chi”, gọi là “can chi”, hay còn gọi là “thiên can địa chi”, hay thập can thập nhị chi.
Gõ từ khóa “can chi” + Wiki(pedia), một kết quả sẽ cho “Can Chi” hay “Thiên Địa Can”, hay “Thập Can Thập Nhị Chi”. Trang Wiki tiếng Việt này cũng cho 10 can là: giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỹ, canh, tân, nhâm, quý và 12 chi là: tí, sữu, dần, mão, thìn, tị ngọ mùi, thân, dậu, tuất, hợi. Để tìm từ tiếng Anh tương đương với 10 can và 12 chi, nhấp chuột ở phần “ngôn ngữ khác”, mục “English/simple English”, trang Wiki tiếng Anh sẽ cho từ tiếng Anh tương đương với “Can Chi” tiếng Việt là “Sexagenary cycle”, hay còn gọi là “Stems” (Can) và “Branches” (Chi). Năm “Giáp Thân” tính theo “Thập Can Thập Nhị Chi” tương ứng với 2 cụm từ tiếng Anh cho trong kết quả là “10 Heavenly Stems” gồm 1. Jia (Giáp) 2. Yi (Ất) 3. Bing (Bính) 4. Ding (Đinh) 5. Wu (Mậu) 6. Ji (Kỷ) 7. Geng (Canh) 8. Xin (Tân) 9. Ren (Nhâm) 10. Gui (Qúy) và “12 Earthly Branches” gồm 1. Zi (Tí) 2. Chou (Sửu) 3. Yin (Dần) 4. Mao (Mão) 5. Chen (Thìn) 6. Si (Tị) 7. Wu (Ngọ) 8. Wei (Mùi) 9. Shen (Thân) 10. You (Dậu) 11. Xu (Tuất) 12. Hai (Hợi). Từ nguồn tư liệu trực tuyến trên, “năm Giáp Thân” sẽ được dịch là “in the year of Jia Shen”.
- 3 Internet và vai trò của Internet trong dịch thuật
Trước hết, cần phải nói rằng thuật ngữ “SpeedDome” không có mặt trong tất cả từ điển tiếng Anh kể cả từ điển trực tuyến (online dictionary). Để tìm nghĩa của thuật ngữ này, ta có thể gõ trên Google từ này với từ khóa “là gì?”, nếu không có kết quả nào như mong muốn thì ta thay thế bằng từ khóa tiếng Anh “what is speedDome?”. Một kết quả bằng tiếng Anh sẽ cho biết: “SpeedDome is Western Australia’s only combined indoor cycling velodrome and rollersports complex.”…Kế đến, để tìm thuật ngữ “đua xe đạp lòng chảo”, ta có thể gõ thuật ngữ này + Wikipedia, một kết quả của Wikipedia sẽ cho thông tin về bộ môn thể thao này, thế rồi nhấp chuột ở mục “English/simple English”, ta sẽ được từ “đua xe lòng chảo” là “track cycling”
- Các vấn đề dịch thuật chuyên ngành
9.1 Các vấn đề dịch thuật y học
Nếu trong một văn bản dịch ta gặp phải các tên/thuật ngữ y học chỉ các triệu chứng bệnh, bệnh như ‘bướu cổ, ‘bướu giáp lồi mắt’, ‘ung thư cổ tử cung’, ‘nhồi máu cơ tim’, ‘tai biến mạch máu não’….phương thức phẫu thuật như ‘mổ lấy thai’, ‘cắt bao quy đầu’… phương pháp chẩn đoán hình ảnh như ‘chụp cắt lớp’, ‘chụp cộng hưởng từ’
9.2 Các vấn đề dịch thuật pháp lý
Nếu trong một văn bản dịch ta gặp phải các thuật ngữ pháp lý như ‘pháp quyền’, ‘pháp trị’, ‘ thông luật’, ‘tam quyền phân lập’, ‘tiền lệ pháp’….
9.3 Các vấn đề dịch thuật kinh tế-thương mại
Nếu trong một văn bản dịch ta gặp phải các thuật ngữ kinh tế-thương mại tiếng Anh như ‘white knight’, ‘poison pill’, ‘crown jewels’, ‘Chinese wall’, ‘Goliath’…
9.4 Các vấn đề dịch thuật văn hóa, du lịch, văn chương
Nếu ta cần dịch một đoạn văn như thế này sang tiếng Anh: ‘Đất vỡ hoang’, ‘Sông Đông êm đềm’, ‘Số phận con người’ đã mang lại vinh quang cho Sô lô Khốp…’, hay Khổng tử và ..’Tứ Thư Ngũ Kinh’… thì vấn đề dịch ở đây nằm ở tên các tác phẩm và tên của tác giả viết bằng tiếng Anh thì ngày nay nguồn tư liệu trực tuyến là giải pháp hoàn hảo nhất cho vấn đề dịch thuật chuyên ngành này.
- Phương pháp sử dụng Internet như “phương thức” hỗ trợ dịch các vấn đề tiếng Anh chuyên ngành: Từ khóa cần tìm như “phương thức dịch”/cách gõ ‘từ khóa’ để tìm một ‘phương thức dịch’.
10.1 Tên tiếng Anh của (cây gạo)/tên khoa học của (cây gạo)/cây gạo có tên tiếng Anh là ….
10.2 Thuật ngữ cần tìm (cây gạo) và tên nhà chuyên môn về lĩnh vực đó. Ví dụ: cây gạo và ví dụ, ‘Đỗ Xuân Cẩm’.
10.3 Thuật ngữ cần tìm + là gì? Ví dụ: Can Chi là gì?
Có thể nói từ khóa ‘là gì’ có thể xem là ‘phương thức’ hỗ trợ dịch rất có ‘kết quả’ với mọi vấn đề liên quan đến thuật ngữ chuyên ngành như ‘pháp lý’, ‘thương mại’ mà ở các từ điển phổ thông Anh-Việt thường vắng bóng như các cụm từ ‘accessory before/after the fact’, ‘kangaroo court’…
10.4 Thuật ngữ cần tìm (white knight) + là thuật ngữ ám chỉ…..
10.5 Từ khóa “các loại” + thuật ngữ cần tìm. Ví dụ: các loại phương pháp ngừa thai (nếu tìm thông tin tiếng Việt)
10.6 Từ khóa “types of/kinds of” + thuật ngữ cần tìm. Ví dụ: types of/kinds of birth control methods (nếu tìm thông tin tiếng Anh)
‘Phương thức’ này rất hữu ích trong việc tìm những từ ‘cụ thể’ (specific) hay còn được gọi là ‘hạ danh’ (hyponyms), ví dụ, bạn cần biết một phương pháp/biện pháp tránh thai/ngừa thai, bạn chỉ cần gõ trên Google ‘kinds/types of birth control methods thì một trong những kết quả sẽ cho ra 1. ‘transdermal patch (miếng dán tránh thai) 2. contraceptive ring (vòng tránh thai) 3. birth control pill (thuốc tránh thai) 4. injection method (thuốc tiêm tránh thai) 5. intrauterine device (IUD) (vòng tránh thai) 6. male condom (bao cao su nam) 7. female condom (bao cao su nữ) 8. diaphram (mũ tránh thai) 9. spermicides (thuốc diệt tinh trùng) 10. withdrawal (xuất tinh ngoài âm đạo). Dùng từ khóa ở tiếng Việt ‘các loại’ + ( phương pháp ngừa thai) sẽ cho ra các thuật ngữ tiếng Việt mà chúng tôi nêu ở trên.
10.7 Thuật ngữ cần tìm + Wikipedia. Ví dụ: ‘lệch lạc tình dục’ và Wikipedia
Ưu điểm nổi bật nhất của ‘phương thức’ này thường dành cho:
– Thuật ngữ y học như ‘đau nữa đầu’, ‘lệch lạc tình dục’, ‘đau đầu vận mạch’
– Tên của các danh nhân, văn sĩ, thi sĩ, các ‘sao’ trong lĩnh vực nghệ thuật và các tác phẩm, các phim họ đã đóng, các truyện đã được viết…… Đây cũng là ‘phương thức’ duy nhất ngoài việc tìm các thuật ngữ tương đương không những chỉ hai ngôn ngữ mà còn nhiều ngôn ngữ khác như ‘Nga’, ‘Pháp’, ‘Trung’. Ví dụ, ta cần tìm từ tiếng Anh tương đương với ‘lệch lạc tình dục’ thì Wikipedia sẽ cho ‘paraphilia’, muốn tìm từ tiếng Nga tương đương thì chỉ việc nhấp chuột ở từ ‘Русский’ mục ‘languages’ (ngôn ngữ khác) thì wikipedia sẽ cho từ ‘Парафилия (сексология)’, từ tiếng Pháp tương đương thì nhấp chuột ở ‘Français’ sẽ cho kết quả ‘Paraphilie’, từ tiếng Trung tương đương thì nhấp chuột ở ‘中文’sẽ cho kết quả 性偏離. Kế đến, nó cũng là phương thức mà tùy theo ‘chủ đề’ ở trường hợp này là ‘lệch lạc tình dục’ sẽ cung cấp cho người dịch thông tin về các thuật ngữ liên quan đến chủ đề như ‘ái nhi’, ‘ái lão’, ‘ái vật’, ‘ái tử thi’, ‘ái thú’, ‘ác dâm’, ‘phô dâm’, ‘thính dâm’, ‘miên dâm’, ‘loạn dục cọ xát’, ‘loạn dục cải trang’ thì ở trang Wiki tiếng Anh sẽ cho nhiều dạng bệnh mà người dịch với kiến thức của mình dễ dàng tìm từ ‘tương đương’ cho từ điển đối chiếu của mình như ‘pedophilia’, ‘gerontophilia’, ‘fetishism’, ‘necrophilia’, ‘zoophilia’, ‘sadism’, ‘exhibitionism’, ‘……’, ‘sleep sex’, ‘frotteurism’, ‘transvestic fetishism’.
10.8 Từ viết tắt ở tiếng Anh cần tìm + stands for… Ví dụ: CABG + stands for …
Sử dụng ‘phương thức’ này, người dịch dễ dàng có được định nghĩa của các từ viết tắt ở tiếng Anh mà đôi lúc ở từ điển phổ thông vắng mặt. Giả sử bạn muốn tìm định nghĩa của từ viết tắt ‘SWIFT’ là gì thì bạn chỉ cần gõ lên Google như sau: SWIFT stands for… thì một trong nhưng kết quả sẽ cho ‘SWIFT stands for Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication’. Muốn biết nghĩa của cụm từ viết tắt này, ta chỉ cần gõ ‘SWIFT’ + là gì? Một trong những kết quả sẽ cho ‘Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng Tài chính quốc tế’. Một từ tắt gần đây thường được nói tới trên phương tiện truyền thông là ‘FGM’, nếu cần biết ‘FGM’ được viết tắt bởi cụm từ gì thì ta cũng áp dụng như phương thức tìm trên ‘FGM’ stands for ….’. Sẽ có một hay nhiều kết quả sẽ cho ‘Female Gential Mutilation’, muốn biết nghĩa của cụm từ này, ta cũng chỉ cần gõ ‘FGM’ + là gì? thì kết quả sẽ cho là ‘cắt âm vật’.
10.9 Thuật ngữ người dịch đã biết (ví dụ, trầm cảm theo mùa) + hay còn gọi là….. ‘hay còn gọi là …’ có thể xem là phương thức hỗ trợ người dịch tìm từ đồng nghĩa. Nếu ta gõ ‘trầm cảm theo mùa hay còn gọi là… thì một hay nhiều kết quả sẽ cho ‘Trầm cảm theo mùa hay còn gọi là rối loạn cảm xúc theo mùa. Nếu cần biết thuật ngữ tương đương ở tiếng Anh thì ta gõ ‘trầm cảm theo mùa’ (tên tiếng Anh…) thì sẽ có một hay nhiều kết quả sẽ cho ‘trầm cảm theo mùa’ (tên tiếng Anh: Seasonal Affective Disorder). Khi đã biết ở tiếng Anh nếu cần tìm từ đồng nghĩa của nó ta chỉ việc gõ ‘Seasonal Affective Disorder, also known as …..’ sẽ có một hay nhiều kết quả sẽ cho ‘Seasonal Affectice Disorder, also known as ‘winter depression’, ‘winter blues’, ‘summer depression’, ‘seasonal depression’.
10.10 Từ khóa ‘dịch trên Google theo nghĩa đen hay ngữ pháp của một thông tin cần tìm, thông tin này có thể là một ‘biển hiệu’, ‘biển báo’, ‘bản hướng dẫn/chỉ dẫn’, ‘các quy định’, ví dụ ‘Đèn đỏ được phép rẽ phải’ thì ta chỉ cần gõ câu dịch ‘you may/can turn right on a red light’ trên Google rồi ‘enter’ thì cũng có thể Google sẽ cho một số kết quả nhưng muốn tìm câu dịch đúng thì phải cần ‘nhấp’ chuột ở ‘Images’ dưới thanh Google, sẽ có một hoặc nhiều hình ảnh mang dòng chữ như ‘Right turn on red’, ‘Right turn permitted on red’. . Phương thức trên có thể dịch các biển hiệu, biển báo, các chỉ dẫn/hướng dẫn như ‘nhà vệ sinh dành cho hai giới/mọi giới’, các biển báo như ‘Đã uống rượu bia/đã chơi Pokemon (thì) không lái xe’, các hướng dẫn/chỉ dẫn như ‘cấm chó phóng uế’, ‘cấm dắt chó vào khu chung cư’, ‘cấm phóng uế’, ‘đi tiêu xong nhớ dội cầu’, ‘không hái hoa, bẻ cành’.
- Kết luận
Trong bài báo này chúng tôi đã cung cấp cho người dịch các phương thức mà ở đây là các ‘từ khóa’ để hỗ trợ khi họ gặp phải các thách thức về ngôn ngữ chuyên ngành như pháp lý, y học và thương mại. Với một nguồn tư liệu trực tuyến ‘khổng lồ’ từ cổ chí kim chưa có một cuốn từ điển bách khoa nào chứa được và lại ngày càng cập nhật và lại dễ dàng tiếp cận với mọi thành phần nên có thể nói chỉ có người dịch chuyên ngành liều lĩnh mới phớt lờ việc dùng Internet trong dịch thuật. Là giáo viên dạy dịch hay là người đang hoạt động trong lĩnh vực dịch thuật thì nhận xét sau đây của Timothy R. Hunt [3] là điều ta nên suy ngẫm: ‘Computers will never replace translators, but translators who use computer will replace translators who don’t’.
1Dù được gán là “thảm họa dịch thuật”, nhưng chỉ có hai độc giả đề xuất hai cách dịch dịch thuật cho chuyện “Cây gạo đại thụ trồng năm 1284 (Giáp Thân) trên mạng.
– Đề xuất 1: Cây gạo đại thụ được dịch là “An Ancient giant Bombax ceiba (Nguyễn Văn Tuấn trên blog Tìm Hiểu Từ Nguyên).
– Đề xuất 2: Tấm bia ghi chú thích nói trên có thể dịch như sau: Great Giant Bombax Ceiba Planted in 1284 (The year of Jia Shen) (Một độc giả có tên là Tram).
Tài Liệu Tham Khảo
[1] Bi, Qiang & Wenxiang Yang (2007) Development and Application of Internet Information Resources. Beijing: Press of Science
[2] Peter Newmark (1988) A Textbook of Translation. Prentice-Hall International
[3] Sofer, Morry (2009) The Translator’s Handbook. Schreiber Publishing.
[4] X Wang & B Chang (2013) Applying Internet Resources to Aiding Chinese Learners of Chinese-English Translation. Truy cập ngày 8/3/2014 từ http://www.academypublication.com/issues/past/jltr/vol04/01/11.pdf
Trả lời