THUỐC THANG: TIẾNG ANH Y KHOA VÀ TIẾNG ANH THƯƠNG MẠI
– Thuốc gốc (generic drug) và thuốc biệt dược (brand name)
Thuật ngữ ‘thuốc gốc’ (generic drug) hay còn gọi ‘hóa chất’, ‘hoạt chất’, ‘thế phẩm’ ‘phiên bản’. Gọi là thuốc gốc vì có cùng ‘gốc’, tức là sử dụng cùng loại ‘hoạt chất’ nên còn có tên tiếng Anh khác là ‘chemical name’. Ví dụ ‘Diazepam is an example of the chemical (generic) name of a sedative’
Thuật ngữ ‘thuốc biệt dược’ (brand name) hay ‘đặc chế’ do xuất phát từ tiếng Pháp là ‘specialite’ là thuốc được sản xuất với một tên ‘thương mại’. Ví dụ ‘Tamiflu is the brand name of Oseltamivir phosphate’.
Trong tiếng Anh thương mại, thuật ngữ ‘brand name’ chỉ nhãn hiệu của một sản phẩm
để sản phẩm đó dễ dàng được nhận ra bởi nhãn hiệu (brand name) và mẫu mã thiết kế của nó. Trong ví dụ sau ta thấy ‘brand name’ được dịch là ‘nhãn hiệu’ ‘The company’s brand names include Izond, Lacoste, and Evan Picone’, ‘Swatch is a well-known brand name worldwide’.
– Thuốc bán tại quầy và thuốc kê toa
Thuật ngữ ‘thuốc bán tại quầy’ (over-the-counter drug hay gọi tắt là OTC drug) nói về các loại thuốc có thể mua mà không cần bác sĩ kê toa. Ví dụ ‘Sales of over-the-counter medicines have increased 2%’ hay nó đóng vai trò trạng ngữ như trong ví dụ ‘Are these tablets available over the counter?’
Thuốc kê toa (prescription drug) là loại thuốc mà bạn chỉ có thể mua khi có một toa thuốc do bác sĩ kê. Tuy nhiên, câu sau đây thì lại không đúng với định nghĩa của ‘thuốc kê toa’ : ‘In Viet Nam, medical shops routinely sell prescription drugs over the counter’.
Trong tiếng Anh thương mại thuộc lĩnh vực tài chính (finance), cụm từ ‘over-the-counter’ được dùng để mô tả sự đầu tư, tiền bạc… được giao dịch bởi các nhà giao dịch độc lập chứ không phải các hệ thống tổ chức như sở giao dịch chứng khoán và tương đương ở tiếng Việt là ‘ngoài quầy’, ‘ngoài danh mục’ như các ví dụ sau ‘over-the-counter shares/stocks’ (các cổ phiếu ngoài quầy), ‘over-the-counter derivatives market’ (thị trường các công cụ phái sinh ngoài danh mục) hay trong câu ‘In over-the-counter trading last Friday, the shares fell 25%’ (Trong giao dịch ngoài quầy sáng thứ sáu qua, giá cổ phiếu đã giảm 25%).
MALPRACTICE (n): THUẬT NGỮ PHÁP LÝ VÀ THUẬT NGỮ Y HỌC
Là một thuật ngữ liên quan đến hai chủ đề: 1. y học 2. pháp lý và đều có mặt ở các từ điển nổi tiếng như Oxford Advanced Learner’s Dictionary (2015), Oxford Business English Dictionary (2008) và một số từ điển Anh-Việt khá lâu nhưng các ‘tương đương’ ở tiếngViệt với khái niệm này vẫn cho thấy chưa phải là một tương đương ‘gần nhất’.
Từ điển song ngữ Anh-Việt Oxford Advanced Learner’s Dictionary, NXB Trẻ (2014) đã dịch thuật ngữ ‘malpractice’ là ‘hành vi bất cẩn, sai trái, phi pháp khi làm việc’ từ định nghĩa tiếng Anh ‘careless wrong or illegal behaviour while in a professional job’ và nêu ví dụ chứ không dịch ‘medical malpractice’, ‘a malpractice suit’ ‘He is currently standing trial for alleged malpractices’. Nếu dựa theo cách dịch trên để dịch các ví dụ ở tiếng Anh thì ta thấy nghe hơi lạ tai, thiếu tự nhiên… ‘medical practice’ (hành vi bất cẩn y khoa/sai trái y khoa), ‘malpractice suit’ (kiện tụng vì hành vi bất cẩn/vì sai trái….) hay ‘He is currently standing trial for alleged malpratices’ (Ông ấy đang bị xét xử vì bị quy kết là ‘hành vi bất cẩn’/ ‘sai trái’/ ‘phi pháp khi làm việc’ (?)
Từ điển Anh-Việt cũng dịch từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary (1992) do Viện Ngôn Ngữ Học biên soạn thì dịch thuật ngữ này là ‘lối cư xử bất cẩn, bất hợp pháp hoặc bất chính của ai đang giữ chức vụ trong chính quyền hoặc nghề chuyên môn’ từ định nghĩa tiếng Anh ‘careless, illegal, or unethical behaviour by sb in a professional or official position’ và cho thuật ngữ tương đương là ‘hành động phi pháp’ và đồng thời lấy ví dụ trong từ điển này ‘lawyers, doctors, etc sued for malpractice’ (kèm cách dịch) ‘luật sư, bác sĩ v,v. bị kiện vì hoạt động bất chính’.
Nay ta thử lấy 2 ví dụ từ từ điển Oxford Business English Dictionary ‘The law firm is being sued for malpractice by the hotel group’ và ‘investigation into financial malpractices’ và ta thử lấy tương đương ‘hành vi bất chính’ thay cho ‘malpractice(s)’ ở hai ví dụ trên thì thấy câu dịch hơi ‘mơ hồ’ và thiếu chính xác.
Tuy nhiên, trong từ điển dụng ngữ Việt-Anh của tác giả Trương Quang Phú NXB trẻ (2000) đã cho một thuật ngữ tương đương ở tiếng Việt với khái niệm ‘malpractice’ có thể gọi là ‘tương đương gần nhất’. Đó là ‘hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp/vi phạm các nguyên tắc nghề nghiệp’. Xin xem hai ví dụ từ từ điển này:
– Có những lời tố cáo nhà báo đó đã có những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp: There have been allegations about the journalist’s malpractices.
– A doctor who gives prescription without a diagnosis may be put on trial for malpractice: Một bác sĩ cho một toa thuốc mà không chẩn bệnh có thể bị đưa ra tòa vì vi phạm các nguyên tắc nghề nghiệp.
Đưa khái niệm về thuật ngữ ‘malpractice’của giảng viên Trương Quang Phú vào các ví dụ trên ta sẽ thấy các câu dịch rất ‘tự nhiên’ và dễ dàng tiếp nhận ở tiếng Việt. Nhưng cũng cần nói thêm ở ngữ cảnh y học thì ở tiếng Việt người ta hay dùng cụm từ ‘sơ suất/sai sót trong y tế/trong điều trị/trong chữa bệnh’ hay ‘sai sót chuyên môn’ nên ‘medical malpractice’ mà dùng các tương đương vừa đề cập là rất thích hợp.
Trả lời