Bettertogether.

FROM “MISTRANSLATIONS” TO THE STORY OF SPECIALISED TRANSLATION: “ON THE DOTTED LINE”, “USER-FRIENDLY”, “CHEMICAL CASTRATION”, “WHISTLE-BLOWER”. WHATEVER NEXT?

TỪ “THẢM HỌA” DỊCH THUẬT ĐẾN CÂU CHUYỆN DỊCH THUẬT CHUYÊN NGÀNH: “TRÊN DÒNG KẺ BẰNG NHỮNG DẤU CHẤM”, “THÂN THIỆN NGƯỜI DÙNG”, “THIẾN/HOẠN HÓA HỌC” VÀ “KẺ THỔI CÒI!”. CÒN CÁI GÌ TIẾP NỮA?

FROM “MISTRANSLATIONS” TO THE STORY OF SPECIALISED TRANSLATION: “ON THE DOTTED LINE”, “USER-FRIENDLY”, “CHEMICAL CASTRATION”, “WHISTLE-BLOWER”. WHATEVER NEXT?

Nguyễn Phước Vĩnh Cố

 Traduttori, traditori. (Translators are traitors.) – Ngạn ngữ Ý –

 Professional translators need to know more than a source and a target language. They also have to develop expertise in the subject areas they translate – Morry Sofer –

 Kinh Thánh và câu chuyện “con người đều lỗi lầm”

He who is without sin can cast the first stone – Jesus Christ

 Kinh thánh kể rằng một người đàn bà bị bắt vì tội ngoại tình và được dẫn đến trước Chúa, buộc Ngài phải phán xét và kết tội theo luật Môi-se. Chúa bèn trả lời những kẻ cáo buộc người phụ nữ: – Ai trong các ngươi thấy mình không phạm tội thì cứ việc ném đá người đàn bà này. Nghe vậy, …

 Và…

  Từ điển và những lỗi/vấn đề dịch thuật chuyên ngành

 a) Cụm từ “care of sb”/“in care of sb” (viết tắt là c/o: nhờ (ai) chuyển. Ví dụ: “Write to him care of his solicitor” (Hãy viết thư cho anh ấy và nhờ luật sư của anh ấy chuyển.). Tuy nhiên, trong ví dụ sau: “Mr Peter Brown c/o Mme Marie Duval” đã được dịch “Gởi ông Peter Brown, nhờ chuyển cho bà Marie Duval” thay vì phải dịch “Gởi ông Peter Brown và nhờ bà Marie Duval chuyển.”.

 b) Một ví dụ khá thú vị là “Cơ quan tình báo MI5” nổi tiếng của Anh lại được dịch thành “xa lộ 15” trong câu sau” “The MI5 scandal throws the security issue into stark relief” (Vụ bê bối trên xa lộ M 15 đã nêu bật vấn đề an toàn). Lỗi trong câu này thuộc về kiến thức chuyên ngành. “MI5” là từ viết tắt của “Military Intelligence 5.”

 Tiếng Anh du lịch và những lỗi/vấn đề của dịch thuật

 a) Ở một phòng khám tại Rome, du khách có thể thấy một bảng hiệu của một bác sĩ chuyên về bệnh phụ khoa và các bệnh khác viết: “Specialist in woman and other diseases.”

 b) Một bảng hiệu quảng cáo ở một công ty du lịch viết: “Take one of our horse-driven city tours. We guarantee no miscarriages.”

 Tiếng Anh y học và những lỗi/vấn đề của dịch thuật

 a) Dù đã có một lỗi khá buồn cười mà các độc giả bắt gặp trong một tác phẩm dịch: câu “Bố chết vì ung thư tử cung” nhưng trong một cuốn sách “Thuật ngữ y học” mà tác giả là một bác sĩ, cụm từ “cervical cancer” (ung thư tử cung) được dịch là “ung thư ở cổ”.

 b) Ở một công trình nghiên cứu khác về dịch tiếng Anh y học, thuật ngữ “varicella” (thủy đậu) mà từ phổ thông của nó là “chickenpox” (trái rạ) lại được dịch là “giãn tĩnh mạch” (varicose veins). Trong khi ở một cuốn từ điển thuật ngữ chuyên ngành: Biên Phiên Dịch Anh-Việt, thuật ngữ “vaginal intercourse” (giao hợp qua đường âm đạo) được dịch thành “tĩnh mạch giản”.

 c) Trong một Phiếu Chỉ Định của một bệnh viện tại miền Trung, từ “nội soi niệu quản” được dịch là “urethroscopy” nhưng thực ra từ “urethroscopy” có nghĩa là “nội soi niệu đạo”. Nội soi niệu quản phải là từ “ureteroscopy” nhưng ở một trang web có tên “all.biz” (chuyên về dịch vụ y tế và dịch vụ chữa  bệnh…) thì từ “ureteroscopy” (nội soi niệu quản) lại được dịch là “nội soi niệu đạo”.

 d) tuyến tụy (pancreas) và lá lách (spleen) là một?

 Dù ở một cuốn từ điển hình ảnh “Word by word” từ “pancreas” (tuyến tụy) được dịch thành là lá lách “spleen” nhưng điều đáng tiếc là  một số trang web thuật ngữ “pancreatic cancer” (ung thư tuyến tụy” lại được dịch thành “ung thư lá lách”.

 Lỗi/vấn đề trong sách “Giáo Khoa về Dịch Thuật” (A Textbook of Translation) của Newmark?

 Là tác giả của một loạt công trình dịch thuật như “A Textbook of Translation” (1988), “Paragraphs on Translation” (1989), “About Translation” (1991), “More Paragraphs on Translation” (1998), Peter Newmark được xem là một trong những nhà tiên phong trong giới dịch thuật tiếng Anh. Tuy nhiên, trong cuốn sách “Giáo Khoa về Dịch Thuật” ở Chương 13: Dịch từ mới (The translation of neologisms), mục tính kết hợp (collocations) tr.145 có vẻ như ông phạm một lỗi về tính kết hợp từ khi cho ví dụ từ “sunshine industries” vì từ “industries” thường kết hợp với danh từ “sunrise” thành một danh từ ghép “sunrise industry” (nghành công nghiệp đang lên) và danh từ “sunset” thành “sunset industry” (ngành công nghiệp đang tàn). Ví dụ, “shipingbuilding is a classical sunset industry”. Trái lại “sunshine” kết hợp với “laws”,policy” cho ra các danh từ ghép như “sunshine law” (luật thanh thiên), “sunshine policy” (chính sách ánh dương).

 “Thảm họa dịch thuật”

 Là cụm từ không còn xa lạ trên các phương tiện truyền thông đại chúng (báo chí, diễn đàn mạng và kể cả trong các cuộc hội thảo, “Thảm họa dịch thuật gắn liền với cách dịch các từ ngữ “on the dotted line”, “The dumb cooze never write back” … Tuy nhiên điều đáng bàn là “Ai trong các ngươi…thì cứ ném đá…? Và điều quan trọng hơn là đưa ra một giải pháp thích hợp (phương pháp, phương thức, chiến lược) để giải quyết vấn đề của dịch thuật.

 “Thân thiện với người dùng”, “Thiến/hoạn hóa học” và “Người thổi còi”

 Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tại Việt nam cụm từ “thân thiện với người dùng” lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí khi mô tả một “phần mền”, “phần cứng” của máy tính như giao diện, bàn phím. Cụm từ này về sau phổ biến đến nỗi (thực ra là do cách dịch “sao phỏng/mượn dịch” còn gọi là “calque”) người ta mượn luôn cụm từ “thân thiện với” đi với “môi trường”, “hệ sinh thái”, “gia đình”, “in ấn”…

 Cách đây hơn nữa năm (khoảng tháng 1/2013), trên báo chí cũng như trên các diễn đàn mạng rộ lên cụm từ “thiến/hoạn hóa học”, hoặc “bị hoạn bằng hóa chất” trong các “tít” báo như: “Việt Nam có nên áp dụng thiến hóa học tội phạm hiếp dâm?”, “Hàn Quốc hoạn tội phạm ấu dâm bằng hóa chất”, thậm chí dùng chữ “thiến” trong “đề xuất thiến tội phạm hiếp dâm gây bão? Thoạt nghe, ta thấy lạ tai vì “thiến/hoạn thì dễ hiểu nhưng khi kết hợp với “hóa học” thì khá mơ hồ nếu không nói là không ổn ở tiếng Việt. Theo nghĩa các từ điển, “thiến/hoạn thường có nghĩa: “Cắt bỏ bộ phận sinh dục của giống đực”. Vậy, “thiến hóa học” là gì? Khái niệm này, dù mới lạ ở Việt Nam nhưng không lạ gì ở Châu Âu và Mỹ. Thuật ngữ “thiến/hoạn hóa học” nếu được dịch sát sang tiếng Anh sẽ cho đúng từ “chemical castration” (vì từ này vốn được dịch sát sang tiếng Việt mà!). Xin xem các ví dụ như “South Korea enacts ‘chemical castration’ law to punish paedophiles”, “India considers chemical castration for rapists”. Tôi cho rằng dùng các cụm từ trên (thiến hóa học) là không ổn. Theo Trịnh Nhật [4], “Chemical castration” nghĩa là “trích? (chích) cho tội phạm chuyên trị hiếp dâm bằng những hóa chất để khiến cho họ không thấy hứng tình nữa.” Ông cho rằng ý niệm “thiến” (castration) thì người Việt cũng có (thiến chó, thiến mèo, hoạn lợn) nhưng không ai nói ‘dùng thuốc để thiến’. “Dùng thuốc để diệt dục” là một cách dịch của ông nhưng ông cũng cho rằng cụm từ đó chưa đạt. Diệu Tần [2] gợi ý dịch “chemical castration” là “tiêm thuốc triệt dâm”: lối diễn đạt dễ hiểu, tự nhiên và gần với ý niệm của người Việt hơn rất nhiều.

 Và gần đây nhất Snowden với biệt danh “kẻ thổi còi”

 Nếu hỏi một nhà ngôn ngữ học tiếng Việt “kẻ thổi còi” có nghĩa gì, tôi tin chắc rằng họ sẽ khó cho bạn câu trả lời thỏa đáng trừ khi họ tìm nghĩa của từ này trong tiếng Anh vì dễ hiểu là từ này được dịch sát nghĩa từ danh từ ghép “whistle-blower” được định nghĩa là “a person who informs people in authority or the public that the company they work for is doing sth wrong or illegal” vốn được cấu thành từ động từ “blow the whistle on s.e/sth” có nghĩa “try to stop sth wrong or illegal that sb is doing by telling sb in authority about it.”

Các thuật ngữ “thân thiện với người dùng”, “thiến/hoạn hóa học” và “kẻ thổi còi” được dịch theo cách dịch sao phỏng (calque) hay vay mượn (loan translation) hay dịch suốt (through translation) là một loại dịch vay mượn đặc biệt (a special kind of borrowing): toàn bộ đơn vị cú pháp được vay mượn, thế rồi các thành phần riêng rẻ của nó được dịch sát nghĩa. Peter Newmark cho rằng [7,84] lối dịch sát nghĩa của các kết hợp thông thường, tên các tổ chức quốc tế, các thành phần của từ ghép đều được biết đến là lối dịch sao phỏng (calque). Tuy nhiên, theo nhiều nhà lý thuyết dịch cho rằng nên áp dụng lối dịch sao phỏng cho các kết hợp thông thường (chứ không phải từ ghép) hoặc các thuật ngữ được công nhận. Ví dụ sau cho thấy trường hợp nào sẽ áp dụng lối dịch sao phỏng và trường hợp nào áp dụng lối dịch tương đương theo các phương thức của Vinay và Darbelnet (Xin xem thêm “Các phương pháp và phương thức dịch tiếng Anh thương mại sang tiếng Việt” từ nguyenphuocvinhco.com). Thuật ngữ “sleeping partner” nếu là cụm từ, ta sẽ dịch theo phương thức sao phỏng là “đối tác đang ngủ” (partner who is sleeping) nhưng nếu là danh từ ghép, ta sẽ dịch là “đối tác không hoạt động” (partner who does not take an active role). Và thuật ngữ “whistle-blower” nếu xem như cụm từ và áp dụng lối dịch sao phỏng, ta sẽ dịch là “người thổi còi”, một lối diễn đạt lạ lẫm, không tự nhiên, rất không Việt chút nào so với lối dịch tương đương (phương thức do Vinay và Darbelnet đề xuất) là “người tố cáo/người tố giác”. Ví dụ sau đây sẽ cho ta thấy “thổi còi” hoặc “tố cáo (giác), ý niệm nào sẽ gần và dễ hiểu với người Việt hơn: “I knew my company was polluting the water, but I was afraid that I would lose my job if I blew the whistle on it.”

 Một trang web/diễn đàn chuyên về các lỗi/vấn đề trong dịch thuật chuyên ngành. Tại sao không?

 Ở trang web này, sẽ thu thập, tìm kiếm và phân loại các lỗi/vấn đề trong dịch thuật theo chủ đề/chuyên ngành. Cuốn sách “Lost in Translation: Misadventures in English Abroad” của tác giả Charlie Croker là một ví dụ sinh động về chức năng của trang web/diễn đàn nói trên. Xin nêu một vài lỗi “Mất trong dịch thuật” của cuốn sách này. “Take care of burglars” (tại Copenhagen, Đan mạch), “You are invited to take advantage of the chambermaid” (tại Nhật bản), “Sweat dreams” (tại Ba lan).  Những ai quan tâm về dịch thuật sẽ đóng góp các phương pháp, phương thức, chiến lược cho các vấn đề liên quan đến các lỗi/vấn đề trong dịch thuật. Theo Peter Newmark [7,9] “Trước tiên, điều mà lý thuyết dịch làm là nhận diện và làm rỏ một vấn đề của dịch thuật (không có vấn đề – không có lý thuyết dịch!”; thứ hai là chỉ ra được các nhân tố cần được xem xét để giải quyết vấn đề đó; thứ ba là nêu tất cả các phương thức dịch có thể; cuối cùng, giới thiệu một phương thức dịch thích hợp nhất đi với một bản dịch  phù hợp.”

Trong dịch thuật chuyên ngành, rõ ràng “thuật ngữ chuyên ngành là một trong ba khía cạnh cơ bản của ngữ vực (register), vốn một vấn đề/thách thức đối với người dịch. Hơn nữa, một trong những đặc trưng khác của thuật ngữ chuyên ngành như tin học, pháp luật, y học… là nhiều từ ngữ thông thường nhưng có nghĩa khác hẳn (từ phổ thông mang nghĩa chuyên ngành). Hồ Đắc Túc [5,253] cho ba từ phổ thông trong một bệnh án (medical record) sau: 1. chief complaint: lý do nhập viện (không có nghĩa than phiền gì cả), 2. Past medical history: tiền sử bệnh và 3. History of the present illness: bệnh sử.

Xin kết thúc bài báo bằng một nhận xét thấu đáo của Duff [3,21]: “Phớt lờ ngữ vực trong dịch là dịch từ chứ không dịch nghĩa.”. Đó là lý do tại sao ngày nay ta có các từ ngữ “thân thiện người dùng”, “thiến/hoạn hóa học”, “kẻ thổi còi”…và có còn gì nữa không?

 Tài liệu tham khảo

 [1] Croker, Charlie (2006). Lost in Translation. Michael O’Mara Books Limited.

[2] Dieu Tan (2013). Gopy voi GS Trinh Nhat. Truy cập ngày 10/7/2013 từ www.comvny2k.com/…/Dieu Tan-YKien_TuongduongTrongPhiendich.htm

[3] Duff, Alan (1996). Translation. Oxford University Press.

[4] Frank Trinh (1013). Thu Ditim Caituongduong Trong Phiendich. Truy cập ngày10/7/2013 từ www.vny2k.com/vny/Frank Trinh_TuongduongTrongPhiendich.htm

[5] Hồ Đắc Túc (2012). Dịch Thuật và Tự Do. NXB Sách Phương Nam và Đại học Hoa Sen.

[6] Lưu Trọng Tuấn (2009). Dịch Thuật Văn Bản Khoa Học. NXB Khoa Học Xã Hội.

[7] Newmark, Peter (1988). A Textbook of Translation. UK: Prentice Hall.

[8] Sofer, Morry (2009). The Translator’s Handbook. Schreiber Publishing, Inc.

 Từ điển

 [1] Từ Điển Anh-Việt – English-Vietnamese Dictionary (1995). NXB TP.Hồ Chí Minh.

[2] Từ Điển Kinh Tế Kinh Doanh Anh-Việt. (2000). NXB Khoa Học và Kỹ Thuật.

[3] Longman Business English Dictionary (2007). NXB Longman.

[4] Oxford Business English Dictionary (2008). NXB Oxford University Press.

 

1 Response »

  1. Very interesting article

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: