PHƯƠNG THỨC DỊCH THOÁT, PHƯƠNG THỨC CUỐI CÙNG TRONG BẢY PHƯƠNG THỨC DỊCH CỦA VINAY & DARBELNET
PHƯƠNG THỨC DỊCH THOÁT (ADAPTATION/ˌædæpˈteɪʃ(ə)n/)
Đây là phương thức cuối cùng được dùng khi một tình huống trong văn hóa gốc không tồn tại trong văn hóa dịch vì vậy phải có một sở chỉ tương đương với văn hóa gốc trong văn hóa dịch (This last procedure is used in cases where the situation to which the message refers does not exist at all in the TL and must thus be created by reference to a new situation, which is judged to be equivalent). Sau đây là một ví dụ về phương thức dịch thoát được nêu bởi Vinay và Darbelnet: về mặt văn hóa việc ông bố người Anh hôn con gái mình ở miệng là bình thường nhưng một hành động tương tự là không thể chấp nhận xét về mặt văn hóa ở một văn bản tiếng Pháp. Để dịch câu “he kissed his daughter on the mouth” trong ngữ cảnh một người cha trở về nhà sau khi đi du lịch dài ngày thì người dịch phải tạo ra một tình huống mới mà có thể được xem là tương đương. Vì vậy, phương thức dịch thoát có thể được mô tả là một loại tương đương đặc biệt, tương đương tình huống. Cách dịch phù hợp hơn trong trường hợp này sẽ là “il serra tendrement sa fille dans ses bra” (“he tenderly embraced his daughter in his arms”: ông ta âu yếm ôm cô gái con của mình). Trong tiếng Anh thương mại, danh từ riêng “Goliath” thường chỉ một công ty có tiềm lực tài chính, vì vậy khi gặp từ đó trong các ví dụ sau: “the company is the Goliath of the computer industry” hoặc “a telecomes goliath” thì từ “goliath” trong ví dụ này theo phương thức dịch thoát nên dịch là “đại gia”, “ông lớn” / “gã khổng lồ”.
CHÂU CHẤU ĐÁ XE Ở TIẾNG VIỆT VÀ DỊCH THOÁT
Ở tiếng Việt, khi nói về một kẻ yếu mà dám chống kẻ mạnh hơn gấp bội , người ta thường ví von là “châu chấu đá xe”, “châu chấu đá voi” hoặc “trứng chọi với đá”. Để dịch câu “Gaddafi quyết “châu chấu đá xe”, tấn công Châu âu”. Câu dịch tương đương theo phương thức dịch thoát sẽ là “Gaddafi (David) determined to attack Europe (Goliath). Xin xem thêm một số cách dịch ‘châu chấu đá xe’ ở dưới trang.
DAVID, GOLIATH Ở TIẾNG ANH VÀ DỊCH THOÁT
Dù ‘châu chấu đá xe’ khi ở tiếng Việt dịch sang tiếng Anh qua phương thức dịch thoát là ‘David fights Goliath’ nhưng các ví dụ tiếng Anh sau thì cái sở chỉ tương đương ở văn hóa Việt với hình ảnh ‘David’ và ‘Goliath’ trong câu tiếng Anh lại là ‘con kiến (mà) kiện củ khoai’như ví dụ sau: ‘Can David Still Sue Goliath?’ và ‘con kiến kiện củ khoai …và kiến thắng’ chứ không phải là ‘châu chấu đá xe’: ‘’Huge victory’: three children win David and Goliath case over asbestos death’. ‘What are some examples of some “David vs Goliath” court case? Ideally, where “David” wins.’
DRAGON, TIGER Ở TIẾNG ANH VÀ DỊCH THOÁT
Trong văn hóa Việt cũng như các nên văn hóa chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa, con rồng luôn được xem là biểu tượng vương quyền (royal power) dưới chế độ phong kiến. Rồng được xem là một linh vật đứng đầu trong tứ linh: Long, Lân, Quy và Phụng.Người Việt xem rồng là biểu tượng của sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, tuy nhiên từ con rồng (the dragon) lại là một con vật hung dữ, biểu tượng của sự xấu xa, độc ác và có ý nghĩa rất tiêu cực trong văn hóa Tây phương vì vậy trong Kinh thánh để chuyển được nét nghĩa của từ con rồng từ tiếng Anh sang tiếng Việt người dịch phải tìm một sở chỉ tương đương ở tiếng Việt là con “mãng xà” (con vật làm việc ác trong cổ tích Việt nam). Ví dụ sau đây cho thấy người dịch đã áp dụng phương thức dịch thoát cho từ “dragon”. “The woman in charge of the accounts department is an absolute dragon!” (Người đàn bà phụ trách phòng kế toán là một bà chằn đích thị!). Khi nói về các quốc gia phát triển với ý nghĩa khen ngợi, người ta thường dùng chữ “rồng”, ví dụ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore được gọi là những con rồng Châu Á / con rồng kinh tế. Tuy nhiên, sở chỉ tương đương với từ rồng trong tiếng Anh lại là “Tigers” (con hổ) chứ không phải là “Dragons” (con rồng).
TÊN PHIM, KỊCH, TIỂU THUYẾT VÀ DỊCH THOÁT
Phương thức dịch thoát thường được dùng để dịch tên phim, kịch hoặc tên tiểu thuyết. Ví dụ, tên phim “Memmoirs of a Geisha” được dịch là “Đời kỹ nữ”, tên sách “When Heaven and Earth changed places” được dịch là “Khi trời đất đổi thay”, tên tiểu thuyết “The Scarlet Letter” được dịch là “Nét chữ ô nhục”.
* Xin xem bài “Việt Nam dưới mắt nhìn của họ” trong “Tuổi Trẻ Cuối Tuần” số 5-2012 (1474)
* Goliath là từ chỉ gã khổng lồ trong Kinh thánh, bị giết bởi một hòn đá do một chàng trai tên là David ném, (xin xem trong “The Holy Bible” (I Sam 17 p. 198).
* Cần lưu ý là một số quốc gia Châu Á thường dùng từ “Asian dragons”, “economic dragons”, “dragon economies” v.v, trong các văn bản viết bằng tiếng Anh của họ.
* Tiểu thuyết “The Scarlet Letter” là cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1850 của Nathaniel Hawthorne và được dịch sang tiếng Việt là “Chữ A màu đỏ” (dịch giả: Lâm Hoài, NXB Văn Học, 2011), tuy nhiên tôi vẫn thích cách dịch của một người thầy đã dạy tôi ở Đại Học Sư Phạm Huế vào những năm đầu của thập niên 80 và gần đây của một tiến sĩ dạy văn chương tại Đại học Montana (Mỹ), là “Nét chữ ô nhục”. Xin xem “Giấc mơ văn học Việt trên đất Mỹ”, tr.26 trong Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 3-2012 (1472).
Xin giới thiệu với các bạn đọc một số cách dịch ‘châu chấu đá xe’ sang tiếng Anh.
1. Châu chấu đá xe ‘David fights Goliath’
Tác giả: Mark A. Ashwill trong ‘Vietnam Today: A Guide to a Nation at a Crossroad’.
2. Châu chấu đá xe (đá voi) được dịch thành 2 cách:
1. A grasshopper kicks a carriage (an elephant).
2. David fights Goliath.
Tác giả: Đặng Chấn Liêu & Lê Khả Kế
3. Gaddafi quyết ‘chấu chấu đá xe’, tấn công Châu âu.
được dịch sang tiếng Anh: ‘Gaddafi (David) determined to attack Europe (Goliath) trong https://nguyenphuocvinhco.wordpress.com
Tác giả: nguyenphuoc vinhco
4. Năm 2016, Băng đảo (Iceland) đã làm một kỳ tích ‘châu chấu đá xe/voi) ở ‘Euro 2016’
với câu diễn đạt sau:
Euro 2016: How Tiny Iceland Slays the Giants.
thì ý của câu là: Euro 16: ‘Chú Châu chấu Iceland đã hạ gục các gã khổng lồ Goliath’.
Sách Tham Khảo
[1] Nguyễn Thị Sang, Tiếng Việt và Tiếng Hoa. Truy cập ngày 2/2/2012 từ http://www.catholic.org.tw.vntaiwan/…/50vietnam.htm
[2]The Holy Bible, King James Version, World Bible Publisher.
[3] Vinay J.P. & Darbelnet J. (ed), “Translation Procedures” p.p 61-69 in Chesterman .A. (1989), Readings in Translation Theory, Loimaan Kirjapaino Oy.
TỪ ĐIỂN THAM KHẢO
[1] Từ Điển Anh-Việt (Viện Ngôn Ngữ Học). NXB Văn Hóa Sài Gòn (2007).
[2]Từ Điển Kinh Tế Kinh Doanh Anh-Việt. NXB Khoa Học và Kỹ Thuật (2000).
[3]Từ Điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary, NXB Oxford University Press (2005).
[4]Từ Điển Longman Business English Dictionary, NXB Longman (2007).
da nang, 29/6/19
nguyen phuoc vinh co (n.p.v.c)
Trả lời